Hiện tại, huyện Long Mỹ có hàng chục hộ nuôi với diện tích trên 50 ha. Riêng thị xã Long Mỹ (Long Mỹ), mô hình nuôi cá cá trê vàng đang phát triển mạnh, đem lại hiệu quả lớn cho người nuôi.
Bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt, khu vực 3, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Năm nay với 6.000 m2 ao đất, tôi xuất bán được 45 tấn cá với giá bình quân 37.000 đồng/kg, trừ hết chi phí còn lãi trên 800 triệu đồng”.
Nguồn cá trê vàng được thị trường ưa chuộng, vì vậy dù chịu ảnh hưởng chung của dịch bệnh nhưng giá bán chỉ giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg nên người nuôi không bị ảnh hưởng nhiều.
Ảnh minh họa
Theo kinh nghiệm thực tế của một số hộ nuôi thành công: Diện tích ao nuôi cá trê vàng thích hợp từ 500 - 1.000 m2; Mực nước dao động từ 1,2 đến 1,8 m; Ao nuôi phải chủ động được khâu cấp, thoát nước; Đáy ao ít bùn, bờ vững chắc; Cải tạo ao nuôi bằng cách tát cạn, diệt hết cá tạp, bón vôi 10 kg/100 m2; Phơi đáy 3 - 4 ngày, sau đó cấp nước vào qua lưới lọc…; Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần (sáng và chiều), khi cho ăn cần rải đều giữa ao… Đặc biệt, người nuôi cần chú ý phòng chống các bệnh thường gặp như: sán lá, nhầy da, trắng da khoang thân, bệnh trùng quả dưa…
Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi cho biết, khó khăn lớn nhất là nếu không nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cá trê vàng thì sau thời gian nuôi đến lúc thu hoạch, cá không có màu vàng đặc trưng, mà là màu ngà của cá trê lai thì giá bán sẽ thấp. Cùng đó, đầu ra của cá trê vàng vẫn phụ thuộc thương lái để tiêu thụ nội địa.
Theo: Thủy Sản Việt Nam