Trên diện tích khá rộng lớn tại vùng âu thuyền nằm dưới chân núi Cầu Vọng, trước đây chủ yếu khai thác thủy sản tự nhiên, nhưng từ năm 2017 đến nay, nhiều người dân xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) đã đầu tư nuôi hàu Thái Bình Dương để phát triển kinh tế và cho thấy thu nhập từ nuôi hàu mang lại cao hơn chục lần so với khai thác tự nhiên.
Ông Hoàng Văn Thường (thôn Bắc Hà xã Kỳ Hà thị xã Kỳ Anh) - một trong những hộ dân đầu tiên đã mạnh dạn đầu tư lồng bè để phát triển nuôi trồng thủy sản dưới chân núi này. Năm 2017, ông đã đầu tư bè nuôi 100 m2, ông thả 2.500 hàu giống bằng hình thức treo dây, đến cuối vụ thu hoạch gần 2 tấn, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi gần15 triệu đồng/vụ đầu tiên. Số tiền đó không cao nhưng đối với gia đình ông lúc bấy giờ quả thật vô cùng ý nghĩa.
Ông thường chia sẻ: “Mỗi bè nuôi làm 1 lần là nuôi được 03 vụ, vì thế từ vụ nuôi thứ 2 chỉ mất tiền mua giống, không cần làm bè nữa. Nuôi hàu tốn ít chi phí và công chăm sóc vì hàu sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn trong nguồn nước, không phải tốn thêm chi phí thức ăn mà chỉ thỉnh thoảng kiểm tra và vệ sinh rong rêu bám vào bè và dây giống. Vì vậy, trong khi nuôi hàu tôi có thể kết hợp làm được nhiều công việc khác nữa mà lại có thu nhập ổn định. Từ vụ thứ 2 trở đi, lợi nhuận mang lại từ 25 -30 triệu đồng/100m2 bè/mỗi vụ nuôi”.
Nay đã là năm thứ 3 ông nuôi hàu và năm nào ông cũng thành công. Ngoài việc mở rộng diện tích nuôi hàu, ông còn đầu tư làm lồng để nuôi thêm cá. Tính ra, mỗi năm ông có thu nhập trên cả trăm triệu đồng.
Gia đình ông Hoàng Văn Thường đang thu hoạch hàu
Gia đình ông Trần Văn Quang, cũng là hộ dân đầu tư nuôi hàu tại vùng này được hơn một năm. Sau khi thấy gia đình ông Thường và một số hộ dân mở hướng làm ăn mới bằng nghề nuôi hàu và nhận thấy, nghề nuôi hàu cho thu nhập khá ổn định, cao hơn nhiều so với làm lúa nước nên ông đã học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đi trước và đầu tư 2 bè nuôi hàu, mỗi bè 110 m2. Qua thời gian nuôi, ông nhận thấy hàu phát triển rất tốt, tỷ lệ con giống hao hụt không đáng kể. Sau hơn 1 năm, nghề nuôi hàu đã giúp ông có thêm nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cho cuộc sống và lo cho con cái học hành.
Theo kinh nghiệm của những người dân nơi đây, mỗi năm chỉ thả được 02 lứa hàu và thời điểm thích hợp nhất để thả giống là từ tháng 4 hàng năm vì giai đoạn này, khi thả hàu sẽ phát triển tốt và không bị vẹm bám vào.
Giống hàu khi mua về thả chỉ mới bằng hạt vừng đã được gắn vào giá thể (giá thể được làm bằng vỏ hàu đá), mỗi miếng giá thể có từ 10 -15 con hàu giống, mật độ thả là 4-5 miếng giá thể/dây, khoảng cách giữa các miếng giá thể và giữa các dây hàu khoảng 20 -25 cm. Cứ mỗi bè 100 m2 là thả được khoảng 500 dây hàu. Sau 3,5 - 4 tháng, mỗi dây hàu cho sản lượng thu hoạch 5-6 kg.
Với lợi thế ở đây diện tích khá rộng, môi trường nước thông thoáng, các yếu tố môi trường thuận lợi nên hàu phát triển rất nhanh. Hầu như, trong quá trình nuôi không xảy ra dịch bệnh và lượng hao hụt cũng rất ít nên thu nhập từ nuôi hàu khá ổn định. Ngoài ra, một số hộ dân còn đầu tư thêm lồng để nuôi các loại cá như: cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá hồng mỹ,.. và đang hứa hẹn sẽ cho thu hoạch hàng trăm triệu từ các lồng cá này.
Ông Lê Tiến Sỹ - Chủ tịch hội Nông dân xã Kỳ Hà cho biết: “Trước lợi nhuận trông thấy của việc nuôi hàu, nhiều người dân địa phương, nhất là các hộ nghèo đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư nuôi hàu thương phẩm. Do đó, số lượng người nuôi hàu tăng dần, mô hình nuôi hàu phát triển nhanh tại xã. Nếu như năm 2017, diện tích nuôi hàu là 01ha với 7 hộ nuôi, thì đến nay, diện tích đã tăng lên 3,5ha với 33 hộ nuôi. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục kiến nghị với các cấp tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi hàu cho người dân, góp phần giúp người nuôi đạt hiệu quả cao hơn”.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi hàu thương phẩm đã giúp cho bà con vùng biển xã Kỳ Hà vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Để nghề nuôi hàu phát triển bền vững, bà con rất cần sự đồng hành của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn, cả về sự hỗ trợ cơ chế chính sách, lẫn tư vấn chuyên môn kỹ thuật. Cùng với đó, địa phương cần quy hoạch vùng nuôi phù hợp và bà con phải tuân thủ nuôi đúng phần diện tích cho phép nuôi, tránh lấn chiếm lòng sông, gây cản trở cho việc lưu thông tàu thuyền cũng như phát triển nóng, làm mất cân bằng môi trường sinh thái./.
Theo: http://www.khuyennongvn.gov.vn