Nâng cao sàng lọc chống dịch lây lan
Đến sáng 1/2, theo số liệu của Bộ Y tế, trên thế giới đã có 11.951 ca nhiễm và 259 ca tử vong do chủng mới của virus Corona (nCoV). Tại Việt Nam đã có 6 ca dương tính với virus Corona, trong đó có 2 người Trung Quốc và 4 người Việt Nam.
Ca thứ 6 ở Việt Nam là cô gái 25 tuổi làm lễ tân khách sạn ở Nha Trang (Khánh Hòa) được xác định nhiễm bệnh viêm phổi cấp sau khi tiếp xúc với hai người Trung Quốc.
Trao đổi với PV, GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (ĐBQH khóa 14) đánh giá, tốc độ lan truyền của dịch bệnh do virus corona (nCoV) gây ra trong thời gian qua là "quá mạnh, quá lớn".
"Tôi nói thật, tôi là một cán bộ y tế nhưng vẫn thấy ngoài sức tưởng tượng. Lâu nay chúng ta cũng có nhiều dịch bệnh như viêm gan B, viêm gan C, H5N1, SARS, MERS ... đều là mạnh nhưng chưa có dịch nào mạnh mẽ, ác liệt, nghiêm trọng bằng dịch này.
Trên thực tế, từ Vũ Hán (Trung Quốc), dịch đã lan ra toàn thế giới và chúng ta thấy, dịch cũng biến nhiều nơi từ chỗ sầm uất trở nên im ắng, người dân phải đeo khẩu trang, không dám ra đường, các hoạt động phải dừng, học sinh nghỉ học...", GS Trí nói.
GS Nguyễn Anh Trí phân tích, theo nghiên cứu virus Corona (nCoV) sẽ ủ bệnh 14 ngày và ở thời gian ủ bệnh đã có thể truyền bệnh cho người khác nên rất nguy hiểm.
"Virus nCoV này là biến thể của loại virus gây ra một số bệnh hô hấp thông thường của họ virus Corona.
Họ virus Corona có 6 chủng, trong đó, 4 chủng là bình thường gây ra sốt, ho hen cho người mắc còn 2 chủng nghiêm trọng là MERS và SARS.
Chủng virus nCoV là chủng thứ 7 nhưng mới hoàn toàn chưa hề gặp và người mắc virus này thời kỳ khởi phát chỉ có những biểu hiện như người mắc họ virus Corona thông thường. Do đó, bệnh rất nguy hiểm vì nhiều người có thể chủ quan.
Vì vậy rất cần sự quyết liệt, nghiêm túc trong công tác phòng chống dịch, tuyên truyền kịp thời cho người dân tự phòng tránh, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh... để tránh nguy cơ trở thành đại dịch, lây lan như ở Vũ Hán", GS Trí nêu rõ.
Ông Trí nhấn mạnh thêm, trong lúc này, sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất, do đó, như chỉ đạo của Thủ tướng, dù có phải đánh đổi, hy sinh về kinh tế cũng phải quyết liệt phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo ông Trí nhận định, không chỉ dư luận trong nước mà Tổ chức Y tế thế giới cũng thừa nhận, Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã rất quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh corona ngay từ thời gian đầu.
"Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bộ Y tế mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cao hơn nữa là Thủ tướng Chính phủ.
Sự vào cuộc quyết liệt đó là đúng, cần phải như vậy, bởi dịch khởi phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và Việt Nam chúng ta có đường biên giới dài với Trung Quốc.
Theo tôi, đã đến lúc phải sàng lọc nghiêm cẩn hơn, nhiều mục hơn đối với tất cả khách du lịch, đặc biệt là khách từ Trung Quốc", GS Trí nêu ý kiến.
Một vấn đề cũng được ông Trí đặt ra là việc Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp, công xưởng, cơ quan có người Trung Quốc làm việc.
"Trong vài ngày tới, những người Trung Quốc này sẽ quay trở lại Việt Nam làm việc và họ không phải khách du lịch.
Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần hết sức quan tâm, theo dõi, sàng lọc để chống lây lan dịch bệnh cho người Việt Nam và bảo vệ sức khỏe cho chính họ", GS Trí nhấn mạnh.
Dừng tổ chức lễ hội là biện pháp giảm thiểu lây lan dịch virus Corona
Trao đổi với PV, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (ĐBQH khóa 14) đồng tình với quyết định của Thủ tướng khi yêu cầu dừng tổ chức các lễ hội dịp đầu Xuân chưa khai mạc để phòng chống dịch bệnh do virus Corona (nCoV).
"Đây là biện pháp hết sức hiệu quả để giảm thiểu lây lan của dịch bệnh do virus Corona khi mà Việt Nam đã có ca nhiễm. Cá nhân tôi ủng hộ, đánh giá cao quyết định của Thủ tướng và Chính phủ", GS Tuấn nói.
GS. Tuấn cho hay, dịch bệnh do virus Corona gây ra như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố là một dịch bệnh nguy hiểm. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan chức năng rất quyết liệt, có biện pháp đối phó từ sớm trong công tác phòng, chống dịch.
Các công việc cụ thể đang tiếp tục được các cơ quan chức năng thực hiện nhưng quan trọng nhất lúc này là phải tiến hành theo dõi, giám sát chặt những người đã tiếp xúc với các trường hợp dương tính để ngăn chặn sự lan rộng.
Đồng thời, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm nhưng không nên quá lo lắng, bất an và có biện pháp tự phòng ngừa cho bản thân, gia đình bằng cách đeo khẩu trang, giữ sạch hai bàn tay, cần tự theo dõi thân nhiệt, nếu có dấu hiệu bất thường phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đánh giá, việc Thủ tướng yêu cầu tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, hạn chế tập trung đông người là giải pháp cần kíp, cần thiết trong lúc này.
Ông Cảm khẳng định, việc này cho thấy sự chủ động, quyết liệt của Chính phủ trong việc ứng phó kịp thời với dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Dù là đi Chùa hay đi coi ca nhạc thì người dân TP. HCM đều đeo khẩu trang, mang nước rửa tay