Giá cá tra giảm chạm đáy mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ USD gặp khó

Thứ tư, 21/08/2019 - 03:28 PM      525

Là sản phẩm thuỷ sản chủ lực nhưng giá cá tra đang liên tục giảm, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD của ngành thuỷ sản sẽ gặp khó.

 

Thời gian qua, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long liên tục sụt giảm. Tại Cần Thơ người nuôi cá tra cho biết, suốt mấy tuần qua giá cá tra giảm sâu, dao động trong mức giá 21.500 đồng/kg dưới mức giá thành 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Các nguyên nhân khiến giá cá tra giảm do bất lợi từ thuế chống bán phá giá tại Mỹ, trong khi tình hình tiêu thụ tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang chậm lại vì chính sách nhập khẩu và diện tích nuôi cá được mở rộng quá nhanh.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) 4 tháng liên tiếp từ tháng 3 - 6/2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm từ 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm 2018. Thị trường Trung Quốc và Hong Kong vẫn đang dẫn đầu với 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam, tiếp đến là EU (15%) và Mỹ (14,2%).

gia ca tra giam cham day muc tieu xuat khau thuy san 10 ty usd gap kho hinh 1

Giá cá tra giảm chạm đáy, mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ USD gặp khó

Những tháng cuối năm không có giải pháp “tăng tốc”, xuất khẩu cá tra khó đạt được mục tiêu 2,3 tỷ USD trong năm 2019.

Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm soát, không gia tăng diện tích thả nuôi, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các địa phương phải xây dựng hiệu quả chuỗi liên kết để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm vì đây là yêu cầu bắt buộc mà các thị trường nhập khẩu đã và đang đặt ra.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết, đặc biệt là nguy cơ bùng nổ của chiến tranh tiền tệ và hiện tại đồng nhân dân tệ giảm giá. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ cá tra số 1 của Việt Nam là Trung Quốc và Hong Kong.

Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo các địa phương phải tăng cường phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của Trung Quốc; thường xuyên cập nhật diễn biến để chủ động có các giải pháp kịp thời. Trong đó, việc xây dựng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cần các địa phương thực hiện để việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn./.
Theo: Hội Nghề Cá Viêt

Tags:
Ý kiến của bạn