Truyền thống và hiện đại
Con tôm là sản phẩm gắn bó với làng quê Việt Nam, ai lớn lên cũng biết câu ca: “Bà còng đi chợ đường xa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng”. Hạnh phúc gia đình được ví von: “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Trong thời hiện đại, xuất khẩu tôm luôn là mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng, đúng với câu tục ngữ: “Đắt như tôm tươi”.
Trong thập niên này, ngành tôm thế giới phát triển rất mạnh mẽ, có sự cạnh tranh lớn, song ngành tôm Việt Nam vẫn duy trì sự phát triển ổn định.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỷ USD, tăng 15% so năm 2023. Các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm trong năm 2024 và dự báo mức tăng nhẹ trong năm 2025. Năm 2025, ngành tôm Ecuador dự kiến tăng 3%. Ngành tôm nuôi của Mexico cũng dự kiến tăng 4%. Nhiều vùng nuôi TTCT chuyển sang nuôi tôm sú có giá trị và hiệu quả cao hơn. Nhu cầu tiêu thụ tôm đang chững lại, đặc biệt ở Trung Quốc.
Với đà tăng trưởng của ngành, bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông của VASEP cho rằng, năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể vượt mốc 11 tỷ USD (mức xuất khẩu kỷ lục từng đạt được năm 2022), trong đó xuất khẩu tôm vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Vận hội mới
Tính chung trong kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đã về đích trong năm 2024 (đạt tăng trưởng khoảng 13%) thì riêng xuất khẩu tôm đã chiếm đến 40%. Mặc dù thị trường tiêu thụ tôm thế giới bị ảnh hưởng bởi lạm phát và cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Ecuador, và Indonesia, ngành tôm Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng nhờ chiến lược tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa phân khúc. Các sản phẩm chủ lực như TTCT, tôm sú, tôm hùm và tôm biển đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Về quy mô, sản lượng tôm nước lợ của Việt Nam đạt 1,264 triệu tấn trong năm 2024. Xuất khẩu TTCT chế biến tăng gần 10%, xuất khẩu TTCT đông lạnh tăng với mức 4,5%.
Dự báo ngành tôm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh nhờ những tín hiệu tích cực từ các thị trường trên thế giới. Ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu. Theo đó, mức thuế mà Việt Nam phải chịu thấp hơn đáng kể so các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Ấn Độ và Ecuador. Quyết định này mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2025.
Một cơ hội nữa cũng tới từ Hiệp định CEPA giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được đánh giá là mở ra một chương mới đầy triển vọng cho ngành thủy sản, đặc biệt là tôm Việt Nam tại thị trường Trung Đông. UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có thủy sản.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng đánh giá, nếu trong thời gian tới, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc từ 60 – 100%, cao hơn so các nước khác (từ 10 – 20%) thì sản phẩm của Việt Nam càng thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
Tận dụng thời cơ
Năm 2025 vẫn được dự báo là năm của ngành tôm. Đón đầu thời cơ xuất khẩu tôm trong năm mới, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang tích cực phát triển vùng nguyên liệu để hạ giá thành và chủ động trong sản xuất xuất, chế biến và xuất khẩu.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta thì tỉnh Sóc Trăng đang phấn đấu đóng góp lên đến 25% kim ngạch toàn ngành tôm với con số hàng tỷ USD. Có được điều này là nhờ địa phương và các doanh nghiệp Sóc Trăng đang mở rộng các vùng nuôi và đổi mới công nghệ nuôi tôm theo hướng bền vững, hiệu quả.
Toàn tỉnh Bạc Liệu hiện cũng có 25 tổ chức và hơn 800 cá nhân tham gia nuôi tôm siêu thâm canh trên diện tích gần 7.000 ha, tăng 2,9 lần so năm 2020, trong đó có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước. Sản lượng nuôi tôm của Bạc Liêu trong năm 2023, tỉnh đã vươn lên dẫn đầu toàn quốc với hơn 247.143 tấn tôm, tăng 52% so năm 2020.
Tỉnh Bến Tre có 50.000 ha tiềm năng nuôi thủy sản. Đến năm 2024, diện tích nuôi thủy sản đạt gần 48.000 ha, với tổng sản lượng nuôi đạt 329 nghìn tấn, trong đó các đối tượng chủ lực gồm tôm nước lợ (154.670 tấn). Trong cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản, tôm nước lợ chiếm trên 75%.
Hiện địa phương này cũng đang mở rộng diện tích nuôi tôm. Từ 550 ha nuôi tôm vào năm 2018, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã đạt 3.610 ha, năng suất bình quân từ 60 – 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 – 800 triệu đồng/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Riêng với Cà Mau, đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD, vượt 1,2% kế hoạch, tăng 5,2% so năm 2023. Trong đó, ngành hàng chủ lực là xuất khẩu tôm.
Đầu tư vào công nghệ và phát triển xanh
Khác với nhiều quốc gia chỉ chú trọng nuôi trồng xuất khẩu sản phẩm thô thì tại khu vực ĐBSCL hiện tập trung nhiều nhà máy chế biến hiện đại. Chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu đã có 48 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất thiết kế đạt 294.000 tấn/năm. Các nhà máy này sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại và công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Tỉnh Cà Mau có 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thủy sản hiện đại.
Ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Nhờ các sản phẩm chế biến sâu như: Tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên,… năm 2024, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nâng sản lượng tôm chế biến sâu thêm 26% so năm 2023”.
Bên cạnh việc phát triển vùng nuôi công nghiệp tập trung sử dụng máy móc hiện đại, ngành tôm Việt Nam đã và đang tập trung vào phát triển các mô hình nuôi tôm thân thiện với thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen và phát triển vùng nuôi gắn với bảo môi trường.
Riêng tỉnh Cà Mau, đến năm 2025 dự kiến diện tích tôm – rừng sinh thái đạt hơn 30.000 ha, diện tích tôm lúa hơn 3.000 ha. Đặc biệt mô hình nuôi tôm sú đang được người dân quan tâm khi mà nhu cầu tiêu thụ tôm sú ngày càng lớn trên toàn cầu.
Sắp tới đây, Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 6 (VietShrimp 2025), sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/3/2025, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ với chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi”.
VietShrimp 2025 đang hứa hẹn là sự kiện chính của ngành tôm nơi các nhà khoa học, doanh nghiệp, người nuôi tôm và các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tìm kiếm những giải pháp đột phá để đưa ngành tôm Việt Nam phát triển xanh hóa và bền vững.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn