Loài cá rô phi cao cấp này được nhân giống trong Phòng thí nghiệm Khoa học Đời sống Temasek (TLL), sẽ gia nhập các giống cá được sản xuất tại địa phương, gồm cá mú và cá chẽm TLL được phát triển bởi Tổ chức Barramundi châu Á, tờ The Strait Times đưa tin.
Để phát triển giống cá rô phi này, Phòng thí nghiệm TLL đã hợp tác với Cơ quan Thú y và Thực phẩm (AVA) để cải thiện năng suất và chất lượng cá rô phi thông qua chọn giống. Thông qua việc sử dụng công nghệ có thể xác định chính xác cá có đặc điểm mong muốn và chọn chúng cho chương trình nhân giống chọn lọc, các nhà nghiên cứu TLL đã có thể nhân giống cá rô phi chất lượng tốt và chịu mặn, hiện thuộc thế hệ thứ 5, mà không cần chỉnh sửa gen. Các nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm xác định và giao phối những con cá tốt nhất, còn được gọi là cá bố mẹ, để tạo ra những giống cá rô phi thừa hưởng những đặc điểm vượt trội.
Vì người tiêu dùng châu Á thích cá rô phi đỏ nên việc nhân giống chọn lọc cũng chuyển hình dáng mong muốn này cho cá con. Phòng thí nghiệm lai tạo giống cá với sự pha trộn của cá màu đỏ và màu xám. Hiện, nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu cải thiện khả năng phục hồi của cá để chúng có thể phát triển mạnh trong các trang trại nuôi mật độ cao và thích nghi với nước biển.
TS Liew Woei Chang, nghiên cứu viên tại TLL cho biết: “Rô phi là một loài cá nước lợ hoặc nước ngọt truyền thống. Ở Singapore, chúng tôi không có nhiều nguồn nước ngọt. Nhưng chúng tôi có rất nhiều dòng nước biển, vì vậy chúng tôi đang nghiên cứu để giống cá rô phi của chúng tôi phát triển trong nước biển”.
TLL cũng đang sử dụng phương pháp đảo ngược giới tính để tạo ra cá rô phi toàn đực vì cá đực phát triển nhanh gấp đôi so cá cái. Phòng thí nghiệm cho biết nhiều cá đực cũng sẽ ngăn ngừa việc sinh sản không mong muốn.
Một số cá rô phi cao cấp đã được gửi đến các trang trại cá địa phương để đánh giá hiệu suất và khả năng chịu đựng áp lực của chúng. Chương trình nhân giống cá rô phi bắt đầu vào năm 2011 và TLL hy vọng sẽ thương mại hóa cá trong những năm tới.
Theo: Thủy Sản Việt Nam