Chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội báo động: Chuyên gia nói gì?

Thứ ba, 01/10/2019 - 02:56 PM      522

Các chuyên gia môi trường đánh giá, nguồn lực cải thiện ô nhiễm không khí rất ít ỏi, chưa được quan tâm.

Chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội báo động: Chuyên gia nói gì?
Ô nhiễm không khí ở quận Thanh Xuân, Hà Nội trưa 30/9 Ảnh: Như Ý
 

Ô nhiễm lên mức nguy hại

So với hai đợt ô nhiễm không khí gần đây nhất (25-26/8 và 14/9-18/9), lần ô nhiễm không khí hiện tại kéo dài hơn, nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong 3 ngày qua. Tại một số thời điểm trong ngày, nhiều điểm đo của Hà Nội lên ngưỡng tím (chỉ số AQI vượt 200).

Theo khuyến cáo của Mỹ, không khí ngưỡng tím rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Theo phân loại của Việt Nam, khi AQI trên 200, nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp) nên ở trong nhà, những người khác hạn chế ra ngoài.

Đáng lưu ý, không khí ô nhiễm theo chu kỳ. Vào tối, đêm và sáng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng với chỉ số không khí hầu hết ở ngưỡng đỏ (AQI trên 150, mọi người đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm), nhiều điểm lên ngưỡng tím, thậm chí ở mức nguy hại.

Tuy nhiên, vào buổi chiều, chất lượng không khí được cải thiện một phần.

Các chuyên gia môi trường nhận định, đợt ô nhiễm này cộng hưởng bởi đồng thời hai nguyên nhân là nghịch nhiệt bức xạ và đốt rơm rạ.

Theo TS Dư Đức Tiến, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày cuối tháng 9, khối không khí lục địa khô chi phối thời tiết các tỉnh thành miền Bắc, thời tiết chủ yếu không mưa, sáng sớm có sương mù, mù nhẹ, trưa và chiều trời nắng.

Đây là trạng thái khí quyển khá điển hình cho việc xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào đêm và sáng sớm.

Với việc xuất hiện nghịch nhiệt và tốc độ gió ở miền Bắc khá yếu, trời ít mây, ở tầng khí quyển từ 100-800m hình thành lớp sương mù tầng thấp, ngăn lớp không khí ở dưới xáo trộn và khuếch tán lên tầng khí quyển trên cao.

Cùng với nghịch nhiệt, hoạt động đốt rơm rạ gây ô nhiễm nghiêm trọng khắp các tỉnh Bắc Bộ. Đây cũng là nguyên nhân khiến các tỉnh đồng bằng Bắc bộ ô nhiễm hơn cả thủ đô Hà Nội.

Từ sáng 28/9, nhiều điểm đo của hệ thống PAMAir ghi nhận ô nhiễm nghiêm trọng vượt ngưỡng đỏ lên ngưỡng tím, nhất là tại Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng.

“Tại những nơi đốt rơm rạ, nồng độ bụi mịn lập tức tăng đột biến”, ông Hoàng Dũng, người phát triển hệ thống quan trắc PAMAir, chia sẻ.

Theo TS Dư Đức Tiến, hiện tượng nghịch nhiệt có thể tiếp tục đến hết ngày 2/10. Từ ngày 3/10, nghịch nhiệt - một trong hai nguyên nhân gây ô nhiễm chính có khả năng kết thúc do Bắc bộ sẽ chuyển nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác.

Đề xuất lập quỹ không khí sạch

 

Theo GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội và các tỉnh là do các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh.

Trong điều kiện khí tượng không thuận lợi, các nguồn phát thải không phát tán được dẫn đến những đợt ô nhiễm nghiêm trọng như hiện tại.

Ông cho rằng, việc quan trọng nhất là phải ngăn chặn các nguồn phát thải, đặc biệt là giao thông. “Các nước đạt đến tiêu chuẩn Euro 3, Euro 4, Việt Nam hầu hết chưa đạt Euro 3.

Lượng phương tiện cá nhân quá nhiều, cần tăng phương tiện công cộng và vệ sinh đường phố. Người dân nên hạn chế ra đường những ngày ô nhiễm nếu không thực sự cần thiết”, ông nói.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, những năm qua, các địa phương thường tập trung kinh phí môi trường cho xử lý ô nhiễm nước, rác thải sinh hoạt mà ít đầu tư cho không khí.

“Chúng tôi ước tính, kinh phí xử lý cho ô nhiễm không khí chỉ bằng 1/10 so với ô nhiễm nước. Nguồn nhân lực, thiết bị cho lĩnh vực này cũng rất hạn chế

Nhiều nghiên cứu sinh học về ô nhiễm không khí ở nước ngoài nhưng về Việt Nam chuyển sang làm ô nhiễm nước vì không có đất dụng võ”, ông Tùng nói.

Trên diễn đàn về chất lượng không khí, một số chuyên gia đề xuất thành lập quỹ không khí sạch Việt Nam, lấy từ nguồn thu từ các loại thuế, phí môi trường.

Theo TS Tùng, thuế môi trường, xăng dầu hiện nay là 4000 đồng/lít nhưng theo luật thì mọi loại thuế, trong đó có thuế môi trường đều hoà vào nguồn ngân sách chung của quốc gia và chi chung.

Ông Tùng cho rằng, có thể hy vọng vào Luật phí và lệ phí bởi qui định thu phí lĩnh vực nào được sử dụng chủ yếu trở lại cho lĩnh vực đó.

Tuy nhiên, cần phải có quy định rõ ràng là phí môi trường cho khí thải phải dùng để quản lý không khí địa phương, tránh trường hợp như phí nước thải, nguồn thu đưa về chung ngân sách địa phương, chỉ một số rất ít cho quỹ bảo vệ môi trường khiến hiệu quả không đáng kể.

Trung tâm Nghiên cứu Sáng tạo xanh cũng đề xuất cần nâng cao hiệu quả kiểm soát khí thải bằng công cụ kinh tế. “Chúng ta chưa có phí khí thải, chính sách thuế, phí môi trường chưa rõ ràng”, báo cáo của Trung tâm nêu.

Ngoài ra, để kiểm soát và quản lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, Trung tâm kiến nghị cần nghiên cứu, đánh giá mức độ đóng góp của từng nguồn, xác định đâu là nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu để có những biện phát can thiệp từ nguồn phù hợp.

Đối với các ngành có nguy cơ ô nhiễm không khí cao như nhiệt điện than, xi măng, thép, hóa chất, cần có các biện pháp kiểm soát khí thải chặt chẽ hơn.

Theo GS Phạm Ngọc Đăng, Nhà nước cần sớm hoàn chỉnh khung chính sách, pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn để người dân, doanh nghiệp thực hiện.
Theo:soha.vn

Tags:
Ý kiến của bạn