Thần tốc huy động vốn thanh toán cho AVG
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, sau khi ký thỏa thuận hợp đồng, chỉ trong 19 ngày (từ 28/12/2015 – 15/1/2016) Mobifone đã thanh toán số tiền 8.445,324 tỷ đồng (tương đương 95% giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG.
Cụ thể quá trình thanh tóan của Mobifone như sau, ngày 25/12/22015, Phạm Thị Phương Anh (Phó TGĐ phụ trách tài chính, kế toán Mobifone) và Phan Tuấn Anh (Trưởng ban tài chính) ký Tờ trình số 241/TC chuẩn bị thanh toán lần 1 = 30% tổng giá trị hợp đồng với số tiền 2.666 tỷ đồng.
Trong đó, đề nghị HĐTV cho Mobifone cho rút trước hạn 7 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn có kỳ hạn tại ngân hàng Vietinbank với tổng số tiền là 850 tỷ đồng và ký hợp đồng vay ngắn hạn với Vietinbank.
Cùng ngày, HĐTV Mobifone đã họp và thống nhất, ủy quyền cho Phạm Thị Phương Anh để vay vốn bằng việc thế chấp các hợp đồng tiền gửi cho việc thanh toán
Đến ngày 28/12/2015, Ban tài chính, Ban kế toán đã có tờ trình và được Cao Duy Hải (TGĐ Mobifone) chấp thuận cho thực hiện thanh toán.
Tiếp đến vào ngày 11/1/2016, Phạm Thị Phương Anh và Phạm Tuấn Anh tiếp tục ký tờ trình số 03/MOBIFONE-TC về nguồn vốn thanh toán lần 2 cho dự án, trong đó, đề nghị HĐTV cho rút trước hạn các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại 5 ngân hàng với tổng số tiền rút là 3.540 tỷ đồng và vay ngắn hại tại Vietinbank khoảng 1.700 tỷ đồng với lãi suất dưới 6%/năm.
Cùng ngày, HĐTV đã họp chấp thuận phương án nguồn vốn nêu trên và chỉ 3 ngày sau Cao Duy Hải ký tờ trình chấp thuận cho thanh toán lần hai với tổng số tiền 5.778.379.997.000 đồng (tương đương 65% giá trị hợp đồng).
Cáo trạng nêu rõ, việc các bị can Mobifone ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và thực hiện thanh toán tiền cho AVG là theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, họ đều biết dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Việc sử dụng 100% nguồn vốn của Mobifone để thanh toán cho AVG là không đúng với nội dung dự án khi xây dựng 30% vốn tự có và 70% vốn vay.
Đánh giá về hiệu quả dự án, Mobifone cho rằng với tổng mức đầu tư hơn 8 nghìn tỷ đồng, thời gian hoàn thành vốn là 8,7 năm, như vậy dự án có hiệu quả về mặt tài chính.
Mobifone nhận định, phương án kinh doanh dự án này dựa trên giả thiết sử dụng toàn bộ mạng truyền hình hiện tại của AVG mà không cần đầu tư thêm.
Do đó, nếu đầu tư được mở rộng vùng phủ sóng thì kết quả kinh doanh sẽ đạt cao hơn (truyền hình DTH của AVG đã được phủ sóng toàn quốc, nhưng thực tế mới chỉ phủ được 33 tỉnh, thành). Về phương diện kinh doanh, việc đàm phán mua lại một công ty truyền hình sẵn có là điều kiện thuận lợi cho Mobifone để nhanh chóng gia nhập thị trường kinh doanh và dịch vụ truyền hình hơn là phương án đầu tư mới.
Hậu quả thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng
Căn cứ vào báo cáo tài chính của AVG, ý kiến đánh giá của Công ty tư vấn VCBS trên cơ sở báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán KPMG; Công ty kiểm toán E&Y; Chứng thư xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC và lời khai của bị can Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HDDQT AVG) xác định, giá trị tài sản của AVG tính đến ngày 31/3/2015 là 3.103 tỷ đồng, trừ đi tổng ghi nợ phải trả là 1.133 tỷ đồng.
Như vậy, giá trị tài sản ròng còn lại của AVG là 1.970 tỷ đồng, trong đó phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty Hãng kiểm toán AASC đã được Cơ quan điều tra trưng cầu Hội thẩm định giá Việt Nam kết luận là phù hợp với quy định pháp luật.
Do vậy, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là 6.475.324.611.000 đồng (được tính 8.445.324.611.000 là số tiền Mobifone đã thanh toán cho AVG trừ đi 1.970.000.000.000 đồng là tài sản ròng của AVG).
Ngoài ra, Mobifone còn bị thiệt hại 115.031.655.556 đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước để thanh toán cho AVG.
Như vậy, Mobifone đã thiệt hại 6.590.356.266.556 đồng.
Theo: Soha.vn