Các đơn vị, doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm cam sành Hàm Yên. Ảnh: Quang Cường – TTXVN |
Hơn hai năm nay anh Tô Văn Quý, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), đã không còn sử dụng các loại phân vô cơ bón cho vườn cam của gia đình. Thay vào đó anh Quý sử dụng phân chuồng ủ hoai với chế phẩm vi sinh có ưu điểm bổ sung chất hữu cơ, tăng chất mùn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất.
Vụ cam năm 2019 gia đình anh Quý có hơn 600 gốc cam sản xuất theo hướng hữu cơ dự kiến cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả. Với giá bán 25.000 đồng/kg, dự kiến gia đình anh sẽ thu về khoảng 250 triệu đồng.
Anh Quý chia sẻ, sự khác biệt lớn nhất so với mô hình trồng cam thông thường đó là tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng. Các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cam đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ và thành viên tổ cam hữu cơ. Ưu điểm của phương pháp hữu cơ là bảo vệ sức khỏe cho người trồng cam và bảo vệ môi trường, chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm cũng được nâng lên.
Gia đình chị Lê Thị Chuyên, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên tham gia mô hình trồng cam hữu cơ từ đầu năm 2018, với diện tích 4,5 ha; trong đó, 3 ha cam đã được thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 20 tấn, trừ chi phí gia đình chị Chuyên thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Trồng cam hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Văn Lý - TTXVN |
Chị Chuyên cho biết, tham gia mô hình sản xuất cam hữu cơ các hộ dân được tập huấn phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ từ việc chăm sóc cây trồng, các biện pháp phòng trừ dịch hại theo phương pháp hữu cơ. Ngoài ra các hộ dân được tổ chức sản xuất theo nhóm và liên nhóm và sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hiện nay liên nhóm đã kết nối được với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với cam kết thu mua các sản phẩm hữu cơ với giá 25.000 đồng /kg.
Huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có trên 700 ha cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và gần 20 ha cam sản xuất theo hướng hữu cơ. Liên nhóm trồng cam hữu cơ huyện Hàm Yên được hình thành từ năm 2017 với 9 hộ tham gia, tập trung tại thị trấn Tân Yên và xã Tân Thành, huyện Hàm Yên.
Năm 2019 sản phẩm cam hữu cơ của Hàm Yên được bán với giá 25.000 đồng/kg cam, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có giá trên 10.000 đồng/kg, trong khi đó cam trồng theo phương pháp truyền thống có giá bình quân từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Từ mô hình ban đầu, quy trình sản xuất cam hữu cơ đang được người trồng cam ở Hàm Yên quan tâm, áp dụng vào sản xuất để nâng cao thu nhập cũng như bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với huyện Hàm Yên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm hữu cơ được đánh giá là có chất lượng cao hơn, ngon hơn và giá bán cũng cao hơn 2 lần so với cam sản xuất bình thường.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh diện tích sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ để góp phần nâng cao giá trị của cam sành ở huyện Hàm Yên và một số sản phẩm cây có múi ở tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đưa sản phẩm cam tham gia các hội chợ tại các địa phương để thể giới thiệu sản phẩm cam sành Hàm Yên đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước.
Mô hình sản xuất cam sành hữu cơ đang thực sự mở ra triển vọng mới để huyện Hàm Yên nhân rộng, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm cam sành của địa phương.
Theo: Báo Dân Tộc Miền Núi