Trà Vinh đẩy mạnh nuôi tôm công nghệ cao do hiệu quả vượt mong đợi

Thứ hai, 28/10/2019 - 08:07 PM      629

Qua 3 năm, tỉnh Trà Vinh đưa mô hình nuôi tôm thẻ, tôm sú siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đem lại kết quả vượt ngoài mong đợi. Vì thế, tỉnh xác định để đưa nghề nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng giải pháp không gì hơn là tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo qui hoạch.

 
Nuôi tôm sạch theo mô hình lót bạt đáy cho thu nhập cao. 
Ảnh: Lê Văn Sen - TTXVN

Xây “nền móng” cho nuôi tôm công nghệ cao

Năm 2017, năm đầu tiên ở tỉnh Trà Vinh mô hình nuôi tôm công nghệ cao vào sản xuất. Mô hình do Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam trực tiếp đầu tư nuôi và hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật cho gần 100 hộ dân trong tỉnh thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, với tổng diện tích 150 ha.

Tuy năm đầu tiên áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, nhưng hiệu quả về năng suất, lợi nhuận tăng gấp 10 lần so với phương thức nuôi tôm công nghiệp mà nông dân trong tỉnh Trà Vinh đã thực hiện trong nhiều năm qua. Cụ thể, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cho sản lượng 50 - 55 tấn/ha, lợi nhuận đạt bình quân khoảng 2 tỷ đồng/ha.

Ông Phan Văn Hận, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang là một trong số hộ được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, với diện tích 3.200m2, mật độ thả tôm giống 178 con/m2.

Theo ông Phan Văn Hận, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao chỉ có 2 điều kiện được xem là “khó khăn” đó là việc người nuôi phải có diện tích đất rộng và nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật ban đầu.

Bình quân, để xây dựng 1 ha nuôi tôm thẻ công nghệ cao cần khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng, gồm hệ thống ao lắng nước đầu vào, ao chứa và xử lý nước thải, nhà lưới bao phủ các ao tôm, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống phao, ôxy đáy, thức ăn, thuốc thủy sản, con giống phải đảm bảo sạch bệnh.

Trong quá trình nuôi, việc cho tôm ăn hoàn toàn được thực hiện bằng máy tự động để tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước,… Với phương cách này đạt tối ưu tính an toàn, môi trường nước rất ít bị ô nhiễm, năng suất, tôm lớn đồng đều và chất lượng tôm nuôi vượt trội so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất.

Kỹ sư thủy sản Trịnh Thị Loan, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, người có 2 năm liên tục thành công, thu lợi nhuận lớn từ việc nuôi tôm ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao.

Theo kỹ sư Loan, mô hình nuôi tôm theo phương pháp hiện đại này tính hiệu quả rất bền vững. Nhờ lót bạt đáy ao, thành ao nên hạn chế mức thấp nhất những mầm bệnh từ trong đất lây nhiễm cho tôm; giúp người nuôi chủ động quản lý tốt  môi trường nước về độ mặn, độ pH.

Với tổng diện tích 1,5 ha đất của gia đình được kỹ sư Loan bố trí gồm 8 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.600 m2 cùng một hệ thống ao trữ lắng lọc, ao xử lý nước thải tuần hoàn khép kín không xả thải ra môi trường.

Năm 2018, với 8 ao nuôi, kỹ sư  Loan thu hoạch đạt năng suất  trên 40 tấn tôm thương phẩm/vụ. Năm 2019, theo ước tính của kỹ sư Loan, tổng thu hoạch 2 vụ nuôi, sản lượng tôm thẻ chân trắng thương phẩm thu được khoảng 100 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền đã từng khuyến cáo về tình hình thiệt hại trên tôm nuôi trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh là do điều kiện nuôi tôm sử dụng ao đất.

Sự ô nhiễm môi trường nuôi tôm ao đất rất lớn, nhất là nguồn nước, nền đất đáy ao nuôi do lâu ngày đã “ tích luỹ” mầm bệnh, các loại hoá chất, thuốc thú y thuỷ sản nên việc thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng  theo hình thức ao đất đã không còn hiệu quả kinh tế cao, thường xảy ra rủi ro về dịch bệnh.

Vì vậy, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người nuôi thuỷ sản dần chuyển sang ao nuôi được lót bạt ni-lon đáy ao, nếu hộ dân có điều kiện thì nên nuôi tôm ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao.

Ông Phạm Minh Truyền cho biết, với hiệu quả về kinh tế vượt trội, sự bền vững cho nghề nuôi tôm, nên trong mùa vụ nuôi tôm vùng nước mặn, nước lợ năm 2019, toàn tỉnh Trà Vinh đã phát triển diện tích nuôi tôm ao nổi lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao lên gần 400 ha. Đây được xem là “nền móng” để phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh phát triển, đưa sản phẩm tôm Trà Vinh tăng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu và kể cả Hoa Kỳ.

Hoạch định để phát triển

Với điều kiện của một tỉnh ven biển, Trà Vinh được nhiều nhà khoa học, chuyên môn đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm nước mặn và nước lợ, với diện tích lên đến 95.000 ha. 

Tính đến nay, tổng diện tích nuôi tôm vùng nước mặn và lợ của tỉnh khoảng hơn 24.000 ha; trong đó, có 7.000 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm nuôi mỗi năm đạt bình quân khoảng 35.000 tấn.

Tuy sản lượng đạt khá, nhưng mức thu nhập bình quân 1 ha đất nuôi tôm của tỉnh hiện nay chỉ mới đạt từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Nguyên nhân, phần lớn diện tích nuôi tôm trong tỉnh áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, qui mô nhỏ, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nên dễ bị rủi ro trước diễn biến bất lợi về thời tiết, môi trường nước.

Chính vì vậy, tỉnh Trà Vinh đã hoạch định chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản với mục tiêu đưa lĩnh vực nuôi tôm nước mặn và lợ trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế tỉnh nhà.

Cụ thể, giai đoạn 2017 – 2020, Trà Vinh phấn đấu đạt giá trị sản xuất tôm trên 8.700 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 10.600 tỷ đồng. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ và mặn của toàn tỉnh đạt hơn 27.000 ha, tổng sản lượng tôm nuôi  đạt khoảng 87.000 tấn; trong đó, sản lượng tôm sú gần 18.650 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 51.990 tấn. Tốc độ tăng trưởng sản lượng tôm nuôi bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 5,34%/năm.

Để đạt mục tiêu đề ra, Trà Vinh định hướng phát triển nuôi tôm nước mặn và lợ dựa trên khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu - xâm nhập mặn và lợi thế kinh nghiệm của người dân, chú trọng phát triển theo chiều sâu, gắn với việc quản lý chặt chẽ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặt khác, tỉnh sẽ giảm dần phương thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh để thay vào đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.

Theo đó, tỉnh sẽ huy động khoảng hơn 5.000 tỷ đồng ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi, điện sản xuất, quan trắc môi trường cho vùng quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm nhận định, thị trường tiêu thụ, nhu cầu xuất khẩu tôm nuôi rất cao và ổn định nên người nuôi không phải e ngại về vấn đề đầu ra. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương hỗ trợ hộ dân nuôi tôm về cơ sở hạ tầng, chính sách, hướng dẫn quy trình nuôi đảm bảo kỹ thuật.

Ngành nông nghiệp tỉnh khảo sát và lập kế hoạch quy hoạch vùng nuôi đảm bảo hiệu quả và theo dõi sát tình hình nuôi tôm để hỗ trợ nông dân.

Cùng với đó, UBND tỉnh Trà Vinh sẽ ưu tiên đầu tư cho 3 nhóm dự án phát triển nhằm thực hiện 25 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng về thủy lợi, giao thông, điện sản xuất cho nghề nuôi tôm nước lợ và mặn với vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực quản lý và hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân và doanh nghiệp nuôi và chế chế biến tôm, vốn thực hiện 105 tỷ đồng; ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư cho 5 dự án sản xuất và chế biến, vốn đầu tư khoảng 1.650 tỷ đồng.

Các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác vận động khuyến khích các hộ dân nuôi tôm nhỏ lẻ tham gia thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao để huy động về quỹ đất, nguồn vốn sản xuất. Đây cũng là một trong những yếu quan trọng để phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững.
Theo: Báo dân tộc và miền núi
Tags:
Ý kiến của bạn