Mức thuế bất lợi
Trong đợt rà soát này, có 24 công ty Việt Nam đã kịp thời nộp Hồ sơ đề nghị nhận mức thuế suất riêng rẽ và đã được DOC chấp thuận. Trong đó, 2 công ty đã được DOC lựa chọn làm bị đơn bắt buộc.

Theo Kết luận sơ bộ, 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc được DOC xác định mức thuế chống bán phá giá là 0% và 35,29%. Mức thuế sơ bộ áp đặt lên tới 35,29% đối với Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) do bị kết luận chưa nỗ lực hết sức để hợp tác đầy đủ với DOC trong việc cung cấp thông tin, dẫn tới việc bị áp dụng dữ liệu sẵn có bất lợi đối với một phần chi phí.
“Đây là mức thuế bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh bị Mỹ áp thuế đối ứng”, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương nhận định.
Theo quy định của WTO và Mỹ, do một doanh nghiệp bị đơn bắt buộc được hưởng mức thuế 0%, DOC đã sử dụng mức thuế của bị đơn còn lại (35,29%) cho 22 doanh nghiệp khác được hưởng thuế suất riêng rẽ (theo quy định). Thuế suất riêng rẽ được tính bằng bình quân gia quyền mức thuế của các bị đơn bắt buộc, loại trừ mức bằng 0, de-minimis và dựa trên dữ kiện sẵn có bất lợi. Các doanh nghiệp còn lại không nộp Hồ sơ đề nghị nhận thuế suất riêng rẽ vẫn bị áp dụng mức thuế suất toàn quốc không đổi là 25,67%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và cho biết, đây là mức thuế sơ bộ cao bất thường, chưa từng xuất hiện trong suốt 19 năm các doanh nghiệp Việt tham gia vụ kiện chống bán phá giá tôm tại Mỹ.
VASEP cho rằng, kết quả này có thể bắt nguồn từ lỗi kỹ thuật hoặc sai sót dữ liệu. Trường hợp tương tự từng xảy ra trong kỳ POR12 khi mức thuế sơ bộ cao sau đó được điều chỉnh giảm mạnh trong kết quả cuối cùng.
Trong khi đó, phía STAPIMEX khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, hệ thống kế toán và dữ liệu xuất khẩu theo đúng yêu cầu, đồng thời đang khẩn trương rà soát lại toàn bộ thông tin để bổ sung giải trình. VASEP tin tưởng rằng kết quả cuối cùng, dự kiến công bố vào tháng 12/2025, sẽ phản ánh đúng thực tế và mức thuế sẽ được điều chỉnh hợp lý.
Trong đợt rà soát này, DOC lựa chọn Indonesia là quốc gia thay thế chính để tính biên độ phá giá do DOC cho rằng Indonesia có kinh tế tương đồng với Việt Nam; Indonesia sản xuất đáng kể hàng hóa tương tự với hàng hóa bị điều tra trong giai đoạn rà soát và Indonesia cung cấp số liệu tại thời điểm tương ứng với giai đoạn rà soát và đáng tin cậy giúp DOC đánh giá các yếu tố sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, đối với một số giá trị như ấu trùng tôm (shrimp larvae), DOC sử dụng giá trị thay thế của Ấn Độ.
Dự kiến, DOC sẽ ban hành Kết luận cuối cùng của đợt rà soát này trong vòng 120 ngày kể từ ngày ban hành Kết luận sơ bộ, khoảng tháng 12 năm 2025.
Tích cực ứng phó
Mỹ hiện là thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Năm 2024, Việt Nam ghi nhận giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh trị giá 691 triệu USD vào Mỹ.
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald J. Trump khởi động chính sách áp thuế đối ứng cao đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, mức thuế sơ bộ bất thường như hiện nay càng làm trầm trọng thêm thách thức mà ngành tôm Việt Nam đang đối mặt khi tiếp cận thị trường Mỹ.
Nhằm thay đổi mức thuế trong Kết luận cuối cùng và đạt kết quả tốt nhất, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị VASEP và các doanh nghiệp liên quan cần chủ động rà soát lại dữ liệu đã nộp, phối hợp chặt chẽ với luật sư tư vấn bổ sung dữ liệu kịp thời để DOC điều chỉnh mức thuế trong Kết luận cuối cùng. Đồng thời, hợp tác đầy đủ và toàn diện với DOC trong suốt quá trình vụ việc để tránh bị coi là bất hợp tác và bị áp mức thuế bất lợi. Trao đổi và kiến nghị Chính phủ biện pháp hỗ trợ nếu cần thiết.
Mặc dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực ngay nhưng đã tác động rõ rệt đến tâm lý thị trường. Một số nhà nhập khẩu Mỹ bắt đầu chậm lại trong việc ra quyết định đặt hàng, trong khi người nuôi tôm tại Việt Nam đứng trước nỗi lo về đầu ra và giá bán trong bối cảnh sản xuất còn đang phục hồi.
Cùng với việc chính quyền Mỹ tái siết chặt chính sách thương mại trong năm 2025, trong đó có xu hướng áp thuế đối ứng cao với một số quốc gia, mức thuế sơ bộ bất thường này càng làm trầm trọng thêm những thách thức mà ngành tôm Việt Nam đang đối mặt khi tiếp cận thị trường Mỹ.
Về phần mình, VASEP cũng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ rà soát lại toàn bộ dữ liệu và phương pháp tính toán nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, tuân thủ đúng thông lệ các kỳ rà soát trước. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn duy trì sự ổn định trong thương mại thủy sản giữa hai nước.
VASEP nhận định dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực ngay và có thể được điều chỉnh trong Kết luận cuối cùng (dự kiến công bố vào tháng 12), nhưng thông tin này vẫn tác động tiêu cực đến tâm lý nhà nhập khẩu Mỹ, ảnh hưởng đến kế hoạch mua hàng, đơn hàng xuất khẩu và đáng lo ngại hơn là ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động của người nuôi tôm tại Việt Nam.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn