Tôm Việt Nam bị DOC điều tra- Nhiều cáo buộc phức tạp

Thứ năm, 28/12/2023 - 03:08 PM      315

Tôm Việt Nam bị DOC điều tra – nhiều cáo buộc phức tạp

(TSVN) – Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp tục tăng cường điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam với nhiều cáo buộc phức tạp nhất từ trước tới nay.

Gia tăng căng thẳng với nhiều cáo buộc

Từ giữa tháng 11/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam với cáo buộc tôm nhập khẩu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tôm nội địa. Theo đó, Hiệp hội Chế biến Tôm Mỹ (ASPA) đệ đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) phải áp thuế đối kháng lên tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ những quốc gia trong danh sách. 

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 4 của Mỹ năm 2022. Ảnh minh họa.

Đây không phải lần đầu tiên ngành tôm Mỹ yêu cầu áp thuế đối với tôm nhập khẩu. Ngành tôm nước ta đang bước vào cuộc chiến cam go hơn bao giờ hết vì vụ kiện lần này có tính chất và mức độ phức tạp hơn rất nhiều với một số thay đổi, bao gồm việc mở rộng điều tra các chương trình trợ cấp bị cáo buộc mới và thay đổi danh sách các doanh nghiệp liên quan.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, vụ kiện đang trong giai đoạn trả lời bảng câu hỏi điều tra. Dự kiến sau giai đoạn trả lời bảng câu hỏi, Mỹ sẽ ban hành kết luận sơ bộ, tiến hành thẩm tra tại chỗ với Chính phủ và doanh nghiệp, tổ chức phiên tham vấn công khai trước khi ban hành kết luận cuối cùng vào tháng 5/2024 nếu không gia hạn. 

Mặc dù các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam hiện chỉ bị điều tra chống trợ cấp nhưng nguyên đơn đã đưa ra thêm cáo buộc rằng Việt Nam đang nhận được một loạt các chương trình trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất tôm nội địa của Mỹ. Ngay lập tức, DOC đã quyết định điều tra toàn bộ 40 chương trình hiện có. Theo đó, Việt Nam hiện là nước có số lượng chương trình trợ cấp bị điều tra nhiều nhất so với nhóm các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. 

Các nhóm chương trình bị cáo buộc gồm cho vay và đảm bảo; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn các khoản phải thu; ưu đãi miễn/giảm tiền thuê đất; xúc tiến xuất khẩu và các chương trình hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, cấp vốn cho nghiên cứu phát triển và nuôi trồng giống mới… Điểm đáng chú ý là DOC còn điều tra một loạt danh sách các chương trình thuộc Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đánh giá của ông Trịnh Anh Tuấn, thời hạn mà Mỹ đưa ra để Việt nam hoàn thành các bảng câu hỏi là khá gấp, nội dung yêu cầu rất chi tiết, phức tạp, nhiều thông tin, các tài liệu đều phải chuyển ngữ sang tiếng Anh, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp cùng các bên liên quan.

Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, cục đã yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra khách quan, minh bạch, tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đồng thời phối hợp với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các bên có liên quan trả lời bảng câu hỏi điều tra để đáp ứng đúng thời hạn mà Mỹ đưa ra.

Những bước đi thận trọng 

Theo trang tin Americanshrimp, ngày 21/12/2023, ASPA tham gia ý kiến với DOC và kêu gọi Chính phủ duy trì tình trạng của Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường trong quy trình điều tra chống bán phá giá. Trước đó, ngày 30/10/2023, Chính phủ Việt Nam đã gửi kiến nghị tới DOC thay đổi tình trạng của mình thành nền kinh tế thị trường. DOC đang tiến hành rà soát đánh giá về vấn đề này. Như vậy, trong trường hợp DOC chấp thuận kiến nghị của Việt Nam, các nhà điều tra sẽ sử dụng dữ liệu về doanh số bán hàng và chi phí của các nhà sản xuất Việt Nam trong tính toán biên độ phá giá, kể cả khi những chi phí và giá bán này chịu sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Những can thiệp này thông thường ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, tín dụng, mức lương, giá đất và nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế Việt Nam.

Ngược lại, nếu Việt Nam bị “áp đặt” là nền kinh tế phi thị trường theo đề nghị của ASPS, thì nguyên tắc tính toán Giá thông thường sẽ không được sử dụng. Trường hợp này, Mỹ có toàn quyền áp dụng các phương pháp tính toán mà mình cho là hợp lý. Đây sẽ là một điều vô cùng bất lợi cho Việt Nam.

Ông Trịnh Anh Tuấn cũng bày tỏ, ngành tôm là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực. Kết quả cuối cùng của vụ việc không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp được lựa chọn để điều tra, mà còn ảnh hưởng tới toàn ngành tôm xuất khẩu Mỹ của Việt Nam. Đồng thời sẽ tác động không nhỏ đến hiệu quả, mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành thủy sản, người lao động, các hộ nuôi tôm trong thời gian tới. 

Vì vậy, việc kháng kiện hiệu quả vụ việc này để duy trì xuất khẩu tôm sang Mỹ trở nên rất cấp thiết. Trong trường hợp Việt Nam bị kết luận áp thuế chống trợ cấp cao hơn mức áp dụng cho các quốc gia còn lại, vị thế cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.

Để về đích an toàn

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, các doanh nghiệp cần nhanh chóng trang bị, cập nhật kiến thức về các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của WTO và Mỹ, xây dựng mối quan hệ, tham gia, hợp tác với các hiệp hội liên quan tại Mỹ như hiệp hội xuất nhập khẩu để có thêm thông tin. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường trao đổi với các cơ quan quản lý trong nước, cơ quan thương vụ về tình hình, diễn biến xuất khẩu và xây dựng phương án xử lý kịp thời khi vụ việc xảy ra. Kịp thời rà soát và hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phục vụ công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng nước nhập khẩu.

Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ – nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước cần trang bị kiến thức đầy đủ về phòng vệ thương mại, đăng ký tham gia hoạt động tư vấn kiến thức phòng vệ từ các cơ quan chức năng để tránh nguy cơ bị điều tra và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại trong tương lai. Bộ Công Thương cũng tăng cường định kỳ cập nhật danh sách cảnh báo sớm các vụ kiện, hoạt động xuất khẩu, việc sắp xếp tài liệu, chứng từ, kế toán. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, cơ quan thương vụ, quản lý nhà nước để chia sẻ thông tin, có phương án phù hợp, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống bất lợi có thể xảy ra.

Dẫn nguồn: Thuysanvietnam.com.vn
Tags:
Ý kiến của bạn