Thủy sản vẫn là trụ cột ngành nông nghiệp

Thứ sáu, 10/01/2020 - 02:34 PM      780

Năm 2019, thủy sản vẫn chứng tỏ được vai trò trụ cột của ngành nông nghiệp với mức tăng trưởng 6,3%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm do sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt khá.

Vượt khó thành công

Năm 2019, GDP thủy sản tăng trưởng 6,3% so năm 2018, bằng 0,89 lần so tăng trưởng toàn quốc và tăng trưởng cao gấp 3,13 lần so toàn ngành nông nghiệp (2,01%). Mặc dù, không đạt kỳ vọng, nhưng thủy sản vẫn được coi là điểm sáng của ngành nông nghiệp năm qua. 

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, tổng sản lượng năm 2019 đạt khoảng 8,1 triệu tấn, tăng 4,9%, trong đó, khai thác đạt 3,8 triệu tấn (tăng 4,5%), nuôi trồng 4,3 triệu tấn (tăng 5,2%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,6 tỷ USD. 

Về khai thác, tổng sản lượng 4 triệu tấn, tăng 4,5% so năm 2018, trong đó khai thác biển đạt 3,6 triệu tấn, khai thác nội địa 205.400 tấn. Về nuôi trồng, tổng diện tích đạt khoảng 1,3 triệu ha, sản lượng 4,38 triệu tấn; trong đó tôm nước lợ ước 750.000 tấn (tôm sú là 270.000 tấn, TTCT 480.000 tấn). Tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 ước đạt 6.600 ha, sản lượng đạt 1,42 triệu tấn. 

Năm 2019, sản lượng khai thác biển đạt 3,6 triệu tấn - Ảnh: ST

Từ đầu tháng 3 đến tháng 9/2019, giá tôm giảm do cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn Độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018, trong khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới và diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã đánh giá sâu diễn biến thị trường, sản xuất, tiêu thụ tôm, đưa ra khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kỹ thuật, mùa vụ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, quản lý, kiểm soát môi trường nuôi, ổn định sản xuất và thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm. 

Không chỉ tôm, 2019 cũng là năm khó khăn với ngành hàng cá tra; khi việc xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019, Ả rập Saudi vẫn đóng cửa đối với sản phẩm này, một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra... Những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh và kéo dài sau 2 năm tăng trưởng liên tục.

Cùng với đó, mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực và được phía EC đánh giá cao, nhưng chưa xóa bỏ được “thẻ vàng”. Theo bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thủy sản), nguyên nhân là vẫn còn trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài...

Giải tỏa khó khăn

Năm 2020, ngành thủy sản vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như vấn đề về dịch bệnh nhất là trên tôm (EHP), diễn biến bất thường của thời tiết, nguồn lợi thủy sản suy giảm, tổn thất sau thu hoạch, thực thi pháp luật trên biển... Điều này đòi hỏi ngành cần có giải pháp và kế hoạch hành động cụ thể.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết năm 2020, ngành thủy sản tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung về NTTS tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, chú trọng tập trung vào công tác đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ, cá tra, nuôi lồng bè…; đồng thời, phát triển NTTS có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững… Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra, nông dân, doanh nghiệp cần đáp ứng đúng những đòi hỏi của thị trường, trong đó, có yếu tố vô cùng quan trọng để có thể truy xuất được nguồn gốc là phải cấp mã số. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhận định, năm 2020, tình hình nuôi tôm vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, như vấn đề xâm nhập mặn, khô hạn sẽ sớm hơn so cùng kỳ mọi năm; cùng đó, bệnh vi bào tử trùng (EHP) bùng phát trong năm 2019 tại nhiều vùng nuôi tôm, nên hiện người nuôi vẫn e dè thả tôm vụ mới, diện tích nuôi giảm. Theo đó, cần có những giải pháp hướng dẫn khắc phục vấn đề này như thế nào cho hiệu quả; nhất là việc cần có đề tài nghiên cứu đột xuất về EHP, phân tích cụ thể về hiện trạng dịch bệnh, giải pháp khắc phục. Ngoài ra, vấn đề thị trường cho sản phẩm tôm cũng chưa được thông thoáng, nhất là việc thị trường Trung Quốc siết chặt các quy định về nhập khẩu chính ngạch, yêu cầu về nâng cao chất lượng cần được chú trọng hơn. Chính vì vậy, cần có một đánh giá toàn cảnh về ngành tôm, chỉ ra được những thuận lợi, khó khăn để có những giải pháp và kế hoạch cụ thể, giúp ngành tôm tận dụng và phát huy lợi thế.

Về xuất khẩu, đại diện VASEP cho rằng trong năm 2020, ngành thủy sản cần củng cố lại chuỗi sản xuất, tạo ra các sản phẩm nuôi có chất lượng tốt nhất thông qua hoạt động quản lý chuỗi cung ứng đầu vào cho hoạt động nuôi trồng để giảm giá thành sản xuất. Tập trung cho công tác cân đối cung - cầu đối với sản xuất cá tra; tiếp cận biện pháp áp dụng quản lý con giống để đảm bảo mức cung - cầu hợp lý, tránh việc giảm giá đột ngột như 2019 để có được doanh số cá tra trên 2 tỷ USD năm 2020. Tiếp đến là chương trình xúc tiến thương mại hợp lý cho từng thị trường; chẳng hạn với thị trường xuất khẩu các nước thành viên của CPTPP; hay đối với thị trường Hàn Quốc tập trung khai thác tốt ưu đãi thuế quan của Hiệp định song phương Việt Nam - Hàn Quốc cũng như hiệp định CPTPP đã thực thi hồi đầu năm 2019. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đàm phán mở rộng một số thị trường mới như: Trung Đông, ASEAN để gia tăng cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU để lấy lại uy tín hải sản Việt Nam.

>> Năm 2020, ngành thủy sản đề ra kế hoạch cơ bản: Diện tích nuôi trồng 1,3 triệu ha, trong đó nuôi nước ngọt 460.000 ha (cá tra 6.600 ha), diện tích nuôi mặn, lợ 840.000 ha (tôm nước lợ 730.000 ha).  Tổng sản lượng khoảng 8,2 triệu tấn; trong đó, khai thác khoảng 3,70 triệu tấn, nuôi trồng 4,50 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD.

Theo: Thủy Sản Việt Nam

Tags:
Ý kiến của bạn