Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để thảm kịch ở Anh tái diễn

Thứ bảy, 09/11/2019 - 03:36 PM      456

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và nhấn mạnh: "Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để thảm kịch ở Anh tái diễn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng ở Anh

Chiều 8/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, báo cáo vấn đề liên quan phiên giải trình và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có 40 đại biểu đăng ký chất vấn Thủ tướng.

Trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng đã báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan.

Thủ tướng nêu rõ, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước không phải "rừng vàng, biển bạc" mà chính gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị cam kết, nỗ lực chăm lo cho người dân, để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.

Thủ tướng gửi lời chia sẻ tới các gia đình và bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh.

"Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn", Thủ tướng nói.

Từ thực tiễn và bối cảnh, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

"Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để thảm kịch ở Anh tái diễn - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cũng báo cáo làm rõ hơn một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm.

Về giải ngân vốn đầu tư công: Chính phủ, Thủ tướng đã thường xuyên quan tâm nhưng vẫn cần đôn đốc sát sao hơn.

"Không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước.

Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất", Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, tại kỳ họp này, nhiều ĐBQH bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên Biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể.

"Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, "dĩ bất biến, ứng vạn biến", bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên Biển Đông; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực

Liên quan đến công tác đấu tranh chống tham nhũng, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, "cuộc chiến" này đầy khó khăn thách thức.

"Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí bằng công cụ pháp luật và sử dụng mạnh mẽ các chế tài pháp luật để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", Thủ tướng cho hay.

Theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để loại trừ những kẽ hở dễ bị lợi dụng, sửa đổi những quy định không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn.

Thủ tướng đề nghị, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tổng hợp những bất cập của pháp luật được phát hiện để đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP và các cơ quan liên quan cần rà soát lại đội ngũ để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, gây nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.
Theo:soha.vn

Tags:
Ý kiến của bạn