Cá chép- Linh vật trong tín ngưỡn ông Công, ông Táo

Thứ tư, 22/01/2025 - 09:08 AM      53

(TSVN) – Trong văn hóa Việt Nam, cá chép không chỉ là biểu tượng của sự may mắn mà còn là linh vật gắn liền với tín ngưỡng ông Công, ông Táo. Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, hình ảnh cá chép hóa rồng đưa Táo quân về trời trở thành nét đẹp truyền thống, gợi nhắc về lòng thành kính và khát vọng thịnh vượng của người Việt.

Nét đẹp văn hóa 

Đã thành thông lệ, hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng chạp, các gia đình Việt Nam lại thành kính chuẩn bị mâm cơm cúng, trong đó không thể thiếu cá chép để làm lễ tiễn ông Công, ông Táo. Không ai biết chính xác nét đẹp văn hóa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân qua nhiều thế hệ.

Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công, ông Táo chính là ngày Vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn của gia đình trong năm đó.

Lễ cúng thường được tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp (có thể cúng từ ngày 21 đến trưa ngày 23 tháng Chạp), bởi dân gian quan niệm, sau thời khắc này, các vị thần đã lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng. 

Khi tiễn ông Công, ông Táo, người dân gửi gắm mong muốn các vị thần mang đi những vất vả, muộn phiền trong năm cũ để chuẩn bị tâm thế nhẹ nhàng bước vào một năm mới an lành, hạnh phúc.

Linh vật quan trọng trong nghi lễ

Nghi thức phóng sinh cá chép ngày tết ông Công, ông Táo không chỉ là nghi lễ tâm linh mà còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. 

Có ý kiến cho rằng, cá chép là một trong ba thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý, tài lộc. Vì vậy, thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm giúp đem vinh hoa, lộc vận đến với gia đình.

Không chỉ vậy, trong tâm thức người Việt, hình ảnh “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. 

Còn theo quan niệm dân gian, thả cá chép còn sống trong chậu nước với mong muốn là cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Từ xa xưa, rồng vốn được coi là loài vật linh thiêng, có khả năng hô mưa gọi gió nên sẽ mang đến ích lợi to lớn cho cư dân vùng nông nghiệp lúa nước. 

Ngoài ra, cá chép còn là biểu tượng cho sự phát triển cùng khả năng sinh sôi vô cùng lớn. Thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, mong cầu sự sinh sôi, phát triển của người Việt từ xưa đến nay.

Số lượng và màu sắc của cá chép

Trong lễ cúng, việc chọn cá chép đỏ hay vàng phụ thuộc vào thói quen từng vùng miền và ý nghĩa tâm linh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cá phải khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn và không bị thương. Với cá chép vàng thường được xem là cao quý hơn nhờ màu sắc rực rỡ, mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng. Còn cá chép đỏ sẽ phổ biến hơn vì dễ tìm mua và giá thành hợp lý.

Tổng số cá chép trong lễ thường là ba con, tượng trưng cho ba vị Táo quân (Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ) là những vị thần cai quản bếp núc, giữ lửa và bảo vệ hạnh phúc của mỗi gia đình. Sau lễ cúng ông Công ông Táo, cá chép sẽ được phóng sinh bằng cách thả ra ao hồ, sông suối quanh khu vực gia đình sinh sống.

Thả cá đúng cách

Khi bắt đầu thả cá, nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Thả cá phải phải cẩn trọng, nên tránh nơi thả nền đất ẩm, dễ sụt lún, nguy hiểm. Chọn những nơi nước sạch môi trường ít bị ô nhiễm để thả cá. Đặc biệt khi thả nên tránh nơi nhiều người câu cá, giăng lưới để tránh những chú cá đã được phóng sinh bị bắt lại.

Khi ngày 23 tháng Chạp cận kề, nhìn mọi nhà nô nức ra sông, hồ thả cá chép, chắc hẳn mỗi người sẽ cảm thấy sự ấm áp của những ngày giáp Tết, cảm thấy không khí Tết đã đến rất gần. Với những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục truyền thống, nét đẹp tín ngưỡng thờ cúng ông Công, ông Táo được người Việt Nam qua bao thế hệ vẫn duy trì, lan tỏa, trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn, hướng đến chân, thiện, mỹ; góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thùy Khánh

Tags:
Ý kiến của bạn