Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, trên lúa từ nay đến cuối vụ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 có nguy cơ tăng nhanh về mật độ và phạm vi gây hại; các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh lùn sọc đen phương Nam tiếp tục gây hại. Trên ngô, sâu keo mùa Thu tiếp tục gây hại ngô giai đoạn từ 3-6 lá cho đến giai đoạn ngô trỗ cờ.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã và đang thực hiện quyết liệt công tác chỉ đạo; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo cán bộ bám sát đồng ruộng; tập trung vào một số nội dung, giải pháp sau:
Đối với cây ngô: Thực hiện nghiêm túc công tác phòng trừ sâu keo mùa Thu, trong đó chú ý giai đoạn ngô 3-6 lá. Nếu phát hiện sâu tuổi 1-3, cần sử dụng các loại thuốc sau để phun như V.K (16WP, 32WP), Biocin 16WP, Clever (15SC, 300WG), Sunset 300WG, Indo Gold 150EC, Ebato 160EC, Berry 110EC, Radiant 60SC, Match 50EC… Nếu mật độ sâu quá cao, cần phun kép 2 lần cách nhau 7-10 ngày.
Đối với cây lúa: Tập trung theo dõi rầy trên lúa giai đoạn ôm đòng. Khi mật độ rầy từ 1.000 con/m2 trở lên, chỉ đạo hướng dẫn phun trừ bằng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như: Cheestar 50WG, Chess 50WG, CyO Super 200WP, Chatot 600WP, Elsin 10EC… Chỉ đạo phun kép lần 2 (cách lần 1 từ 3-4 ngày) nếu mật độ rầy quá cao. Những ruộng lúa giai đoạn chín sáp đến đỏ đuôi, khi mật độ rầy trên 1.500 con/m2 sử dụng các loại thuốc tiếp xúc như hoạt chất Fenobucarb để phun vào phần gốc lúa.
Đối với sâu cuốn lá, thường xuyên thăm đồng, khi mật độ trên 20 con/m2 cần chỉ đạo phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Clever 300WG, Altach 5EC, Opulent 150SC, Takumi (20WG, 20SC), Angun 5WG, Sunset 300WG, Dylan 2EC… Không chỉ đạo phun thuốc tràn lan; đồng thời tuyên truyền nông dân trong khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần mang bảo hộ lao động, thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định sau khi sử dụng.
Đối với bệnh lùn sọc đen phương Nam, tập trung theo dõi diễn biến của rầy lưng trắng trên đồng ruộng và những khóm lúa có biểu hiện thấp lùn, lá xoăn, lóng thân có u sáp; cần nhổ bỏ và gửi mẫu về Chi cục BVTV để giám định virus lùn sọc đen.
Theo: http://www.khuyennongvn.gov.vn
N