Để chủ động phòng bệnh cho tôm vào những ngày mưa nắng thất thường, nông dân Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đang tích cực thăm ao, xử lý môi trường và đặc biệt phòng bệnh cho tôm bằng các loại thảo dược.
Mưa do hoàn lưu của bão số 3 ở Nghệ An giúp nhiều địa phương “giải nhiệt” được cơn hạn hán trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên đối với các hộ nuôi tôm thì vô cùng lo lắng bởi nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan trong ao giảm đột ngột và có thể gây bệnh cho tôm.
Ông Nguyễn Văn Hưng ở phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) cho biết, mặc dù thời tiết đang mưa nhưng người nuôi tôm không được để mực nước trong ao quá sâu hoặc quá cạn. Khi mực nước ao tôm cao do nước mưa cần xả bớt lượng nước tầng mặt để duy trì mực nước trong ao, đồng thời tránh làm giảm độ mặn đột ngột, tràn bờ, vỡ cống bọng.
Còn với anh Hồ Xuân Minh ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), sau khi nghe dự báo thời tiết, gia đình ông chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu phòng bệnh cho tôm.
Anh Minh cho biết: “Tôm vụ 2 thường khó nuôi bởi thời tiết mưa, nắng thất thường nên tôm thẻ chân trắng hay mắc các bệnh do virus, vi khuẩn như: cụt râu, mòn chân, lở loét... Để phòng bệnh, chúng tôi phải tăng cường bơm nước, vệ sinh ao nuôi thường xuyên, tăng cường sức đề kháng cho tôm để tôm phát triển tốt”. Ngoài ra khi thời tiết thay đổi anh Minh còn tăng cường vitamin C và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm.
Nông dân ứng dụng công nghệ ương gièo tôm giống nhằm hạn chế rủi ro trước khi thả nuôi ngoài ao lớn. Ảnh VH
Trong thời tiết mưa to kéo dài, ngoài chủ động chăm sóc và phòng bệnh cho tôm theo kinh nghiệm tập huấn, các hộ nuôi tôm còn sử dụng các bài thuốc dân gian như đưa cây thuốc nam, cây dược liệu vào phòng bệnh.
Cà gai leo là cây dược liệu phòng bệnh gan tụy tốt cho tôm được người dân áp dụng. Sau khi thu mua về sẽ được xay thành bột, lọc lấy nước rồi trộn với thức ăn của tôm. Ảnh VH
Cùng với tuân thủ quy trình chăm sóc theo sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp, nhiều năm nay, gia đình tôi còn thu mua một số loại cây dược liệu như: cà gai leo, nhân trần, điền điển, củ tỏi về sắc cô đặc rồi hòa trộn vào thức ăn nuôi tôm; với cách này có thể phòng trị được bệnh đi ngoài, gan tụy rất tốt và hiệu quả.
Anh Lê Văn Nam ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu)
Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có diện tích nuôi tôm lớn trên toàn tỉnh; mỗi năm sản lượng tôm đạt xấp xỉ hơn 5.000 tấn. Tính đến thời điểm này, các hộ đã thả nuôi khoảng hơn 700/900 ha tôm vụ 2; tôm hiện đang trong độ tuổi từ 30 – 50 ngày. Nếu chăm sóc tốt, sau 3 tháng sẽ cho thu hoạch.
Theo:tepbac.com