Chất lượng nước: 10 thông số và 5 cách quản lý hiệu quả

Thứ sáu, 27/06/2025 - 08:30 AM      25

(TSVN) – Ao nuôi trồng thủy sản là một hệ thống biến động liên tục bởi nước ao không ngừng trao đổi vật lý với môi trường xung quanh (hấp thụ ánh mặt trời, oxy, trao đổi nhiệt, bốc hơi…) và thay đổi bởi các khí hòa tan, chất vô cơ, hữu cơ cùng nhiều vi sinh vật, thực vật, động vật sống bên trong. Duy trì chất lượng nước tốt là vô cùng cần thiết cho sự tồn tại và phát triển tối ưu sinh vật trong ao, đảm bảo cá/tôm tăng trưởng. Theo chuyên gia nuôi trồng thủy sản Nguyễn Thơm, chất lượng nước tốt được đặc trưng bởi lượng ôxy vừa đủ và lượng sản phẩm trao đổi chất thấp với 10 thông số điển hình để giám sát và có 5 cách quản lý hiệu quả.

10 thông số về chất lượng nước

  1. Màu sắc: Màu nước ao là màu của các chất hòa tan hoặc không hòa tan trong nước; gồm tảo, vi khuẩn, các hợp chất hữu cơ, chất vô cơ. Màu nước xanh lá chuối non (màu của tảo lục chiếm ưu thế) là tốt nhất.

Các yếu tố gây nên màu nước: Chất hòa tan có màu vàng nâu đỏ của hợp chất sắt từ đất; Các chất vẩn cặn cát, phù sa, keo đất,.. làm nước đục màu đất; Sinh vật phù du với chủ yếu là tảo; Các chất mùn bã hữu cơ thường làm nước có màu đen, mùi hôi thối.

  1. Độ đục/trong: Độ trong là sự cân đối giữa tảo phù du và bức xạ ánh sáng mặt trời. Ao nuôi có mật độ tảo trên 2 triệu ct/lít thì độ trong thường 10 – 40 cm. Thủy vực tự nhiên có mật độ tảo dưới 1 triệu ct/lít, nếu không bị đục bởi đất và phù sa thì độ trong >100 cm.
  2. Nhiệt độ nước: Chủ yếu do ánh mặt trời, biến động ngày đêm và theo mùa. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của hầu hết thủy sinh vật ở Việt Nam từ 20 – 30oC.
  3. Độ pH: Đặc trưng cho mức độ diễn biến tính axit và tính kiềm của nước. Nguồn gốc gây nên tính axit (pH < 7) của môi trường nước là do nền đất có nhiều oxit nhôm, oxit sắt, những ao mới đào hoặc sự tích đọng mùn bã hữu cơ. Nguồn gốc gây nên tính kiềm (pH > 7) của môi trường nước là do tác động của con người sử dụng vôi và do nguồn nước chảy qua khu núi đá vôi. 

Ngoài ra, độ pH còn do ảnh hưởng của nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

  1. Ôxy hòa tan (DO). Có hai nguồn bổ sung ôxy vào nước là từ không khí (hiện tượng khuếch tán) và sự quang hợp của tảo trong nước. Sự quang hợp của thực vật thủy sinh có vai trò rất lớn, chuyển hóa khí độc CO2 thành O2, chuyển hóa năng lượng mặt trời thành các dạng năng lượng dự trữ của vật chất hữu cơ, tạo sinh khối cho nước.

Sự quang hợp của tảo gây ra quy luật biến động ngày đêm của ôxy trong nước: Ôxy thấp nhất lúc sáng sớm (4 – 5 giờ) và cao nhất khoảng 2 giờ chiều. Chăm bón duy trì mật độ tảo phù du từ 2 – 5 triệu cá thể/lít, sẽ làm giàu dinh dưỡng cho ao và tạo ra cơ chế sản xuất Oxy trong nước, giúp tôm cá phát triển khỏe mạnh.

Hàm lượng ôxy thích hợp cho nuôi cá, tôm phải > 3 mg/lít.

Những yếu tố gây tiêu hao ôxy trong nước: Sự hô hấp của thủy sinh vật; Quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, xác động thực vật thối rữa.

  1. Khí độc Hydrosunfure (H2S): Chủ yếu do sự thối rữa của xác chết động thực vật; Bùn đáy ao quá bẩn khi phân hủy yếm khí. Bùn đáy đầm lầy luôn có H2S.
  2. Amoniac (NH3): Hợp chất hóa học không màu, mùi hăng đặc trưng, dễ bay hơi và tan trong nước. Đây là một chất độc với thủy sản; được tạo ra từ quá trình phân hủy chất hữu cơ, gồm thức ăn thừa, phân tôm cá và các chất hữu cơ khác.

Chu trình nito trong ao nuôi thủy sản: Chất hữu cơ hòa tan có thể được phân hủy bởi vi sinh vật hiếu khí trong điều kiện có ôxy, còn chất hữu cơ không hòa tan thường lắng xuống đáy ao và bị phân hủy bởi vi sinh vật yếm khí, tạo ra các chất độc hại như NH3, NO2,…

  1. Độ kiềm (Alkalinity) và độ cứng (Hard): Hai chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản.

Độ kiềm là khả năng đệm của nước, tức là khả năng trung hòa axit. Độ kiềm được đo bằng đơn vị mg/L CaCO3. Độ kiềm cao giúp ổn định pH của nước, ngăn ngừa pH dao động mạnh, gây hại cho thủy sản. Độ kiềm thích hợp cho nuôi trồng thủy sản dao động từ 75 – 200 mg/l CaCO3. Độ kiềm thấp khiến pH của nước dễ bị dao động, gây hại cho thủy sản. Độ kiềm cao quá mức cũng có thể gây hại cho thủy sản, đặc biệt là các loài cá nước ngọt.

Độ cứng là tổng hàm lượng các ion Ca2+ và Mg2+ có trong nước. Độ cứng được đo bằng đơn vị mg/l CaCO3. Độ cứng cao giúp thủy sản hấp thụ khoáng chất tốt hơn, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Độ cứng thích hợp cho nuôi trồng thủy sản dao động từ 100 – 250 mg/l CaCO3. Độ cứng thấp khiến thủy sản khó hấp thụ khoáng chất, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sinh trưởng của thủy sản. Độ cứng cao quá mức cũng có thể gây hại cho thủy sản, đặc biệt là các loài tôm nước lợ.

  1. Các dạng đạm (Nitơ): Nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu với sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản. Đạm tham gia vào quá trình tổng hợp protein, axit nucleic, axit amin, vitamin, enzim,… giúp thủy sản tăng trưởng, khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và chống chịu với môi trường. Nếu hàm lượng đạm trong ao nuôi quá cao cũng sẽ dẫn đến tình trạng phủ dưỡng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của thủy sản. Ngược lại, nếu hàm lượng đạm trong ao nuôi quá thấp sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của thủy sản, dẫn đến chậm phát triển, giảm năng suất.
  2. Chất hữu cơ – Độ tiêu hao ôxy: Có hai loại chính là chất hữu cơ hòa tan và chất hữu cơ không hòa tan. Chất hữu cơ hòa tan có thể được phân hủy bởi vi sinh vật hiếu khí trong điều kiện có ôxy và quá trình này sẽ tiêu thụ ôxy trong nước. Chất hữu cơ không hòa tan thường lắng xuống đáy ao và bị phân hủy bởi vi sinh vật yếm khí, quá trình này cũng tiêu thụ ôxy trong nước, đồng thời tạo ra các chất độc hại như NH3, NO2,…

5 cách quản lý chất lượng nước hiệu quả

  1. Duy trì các thông số chất lượng nước trong phạm vi lý tưởng: Theo dõi và duy trì các thông số chất lượng nước trong phạm vi lý tưởng là vô cùng quan trọng để đảm bảo môi trường nước luôn ở trạng thái tốt nhất.

Để đảm bảo sức khỏe cho tôm/cá và nâng cao hiệu quả sản xuất, người nuôi cần chủ động xây dựng kế hoạch duy trì các thông số chất lượng nước trong phạm vi lý tưởng, khắc phục kịp thời sự cố xảy ra 

  1. Đo các thông số chất lượng nước định kỳ: Nhằm duy trì mức độ lý tưởng của nước cho từng chỉ tiêu cụ thể, việc hiểu rõ các phép đo hiện tại là cực kỳ quan trọng. Thường xuyên đo lường để đảm bảo chất lượng nước luôn đạt chuẩn cao. Thực hiện đo định kỳ các chỉ tiêu đã xác định, theo dõi và đánh giá biến động môi trường nước, từ đó xử lý vấn đề trước khi nó trở nên nghiêm trọng. Cũng cần hiệu chuẩn các thiết bị đo vào đầu mỗi chu kỳ sản xuất, giúp đảm bảo chính xác các dữ liệu đo, ngăn chặn các vấn đề tiềm ẩn.
  2. Kiểm soát hàm lượng phospho và động lực học của tảo: Tảo đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn thủy sản. Tuy nhiên, không phải loại tảo nào cũng có lợi. Một số loại tảo độc hại và không thể được các sinh vật khác tiêu thụ. Nhờ khả năng kiểm soát lực nổi, tảo có hại dễ dàng tiếp cận nguồn dinh dưỡng và ánh sáng, giúp chúng phát triển nhanh hơn và lấn át các loài tảo khác. Loại tảo này gồm tảo xanh lam, vốn là một loại vi khuẩn có khả năng quang hợp.

Ao nuôi tôm thường chứa lượng lớn chất dinh dưỡng từ thức ăn. Hầu hết các chất dinh dưỡng này, đặc biệt là nitơ và phospho, không được tôm tiêu thụ hoàn toàn và tích tụ trong lớp trầm tích và cột nước. Từ 72 – 89% lượng photpho đầu vào bị lãng phí, dẫn đến gia tăng tảo, tiềm ẩn nguy cơ tảo nở hoa gây hại.

Sau một thời gian ngắn, thường chỉ vài ngày sau khi tảo nở hoa, tảo sẽ đạt đến giai đoạn phát triển tối đa và chết. Hiện tượng này gọi là tảo tàn. Lượng tảo chết gia tăng lượng hữu cơ, đẩy nồng độ amoniac lên mức độc hại. Tảo tàn còn tiêu thụ lượng ôxy lớn, dẫn đến suy giảm ôxy, gây bệnh và chết vật nuôi.

Do vậy, việc theo dõi chặt chẽ hàm lượng phospho và tảo là vô cùng quan trọng để đảm bảo môi trường ao nuôi ổn định. Khi hàm lượng phospho tăng cao, dẫn đến gia tăng tảo, cần tăng cường trao đổi nước để ngăn chặn các vấn đề nêu trên.

  1. Duy trì hàm lượng ion trong ao nuôi ở mức cân bằng: Thành phần ion đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe và tăng trưởng của tôm, đặc biệt trong quá trình lột xác và tái tạo vỏ mới. Thông tin quan trọng trong việc duy trì cân bằng là tỷ lệ Na:K (natri:kali) và Mg:Ca (magie:canxi): Khuyến cáo tỷ lệ Na:K là 28:1 và Mg:Ca là 3,4:1 (tỷ lệ lý tưởng có thể thay đổi tùy thuộc điều kiện cụ thể của ao nuôi).

Việc đo lường thường xuyên để duy trì sự cân bằng là vô cùng quan trọng. Thực tế, tỷ lệ ion có thể biến đổi do nhiều yếu tố, khi xảy ra mất cân bằng cần sử dụng các sản phẩm chuyên dụng như kali clorua, magie clorua và hỗn hợp khoáng chất để điều chỉnh. Cũng lưu ý sự cẩn trọng vì không phải tất cả các sản phẩm đều tiết lộ đầy đủ thông tin về thành phần khoáng chất của chúng.

  1. Thay nước ao nuôi thường xuyên: Một biện pháp kinh tế và hiệu quả để duy trì chất lượng nước ao nuôi. Việc này giúp ngăn chặn sự tích tụ amoniac vượt quá mức và hỗ trợ tôm vượt qua các giai đoạn căng thẳng như dịch bệnh, đồng thời còn giúp duy trì chất lượng nước ổn định trước ngày thả nuôi (DOC) từ 30 – 40 ngày.

Việc thay lượng nước hàng ngày được khuyến nghị từ 10 – 30%, và tỷ lệ này có thể tăng khi lượng thức ăn đầu vào tăng. Trong trường hợp nồng độ amoniac tăng đột biến, việc tăng tỷ lệ trao đổi nước sẽ giúp giảm nồng độ amoniac xuống mức an toàn.

Cũng cần lưu ý, việc thay nước có thể tăng nguy cơ xâm nhập mầm bệnh vào ao nuôi, do đó nên sử dụng nước đã qua xử lý kỹ lưỡng trước khi thay vào ao.

Dẫn nguồn: Thuysanvietnam.com.vn - Sáu Nghệ

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
THỜI ĐIỂM NÀO CẦN THAY NƯỚC CHO AO NUÔI TÔM?
Thứ sáu, 14/03/2025 - 09:51 AM
166
Mẹo giảm chi phí vụ nuôi
Thứ hai, 10/03/2025 - 08:15 AM
264
Bền vững nuôi tôm công nghệ cao
Thứ sáu, 07/02/2025 - 10:45 AM
279
Tin xem nhiều
Một số bệnh trên tôm và cách điều trị
Thứ ba, 24/06/2025 - 08:25 AM
49