Nỗi lo biến động về giá

Thứ sáu, 24/05/2019 - 02:38 PM      586

Những ngày qua, giá tôm nước lợ tại Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL đều có xu hướng đi xuống khiến người nuôi tôm bắt đầu cảm thấy lo lắng khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Và với những thông tin về giá tôm được các nước nuôi tôm lớn chào bán tại Hội chợ Thủy sản quốc tế Brussels (Bỉ) thì nỗi lo ngại này càng gia tăng.

 

Người nuôi cần có sự tính toán trong việc thả và thu hoạch tôm cho hợp lý   Ảnh: XT 

Giá có chiều hướng giảm

Tuy giá tôm từ đầu năm đến nay chưa đến mức khiến người nuôi thua lỗ nặng như ở thời điểm cùng kỳ năm 2018, nhưng cũng làm cho người nuôi tôm kém vui vì lợi nhuận giảm do hầu hết các loại chi phí đầu vào như: con giống, thức ăn, điện… đều tăng. Niềm hy vọng giá tôm sẽ phục hồi được nhen nhóm phần nào khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế sơ bộ lần xem xét hành chính thứ 13 vụ kiện chống bán phá giá tôm vào Mỹ đối với các doanh nghiệp tôm Việt Nam ở mức 0%. Tuy nhiên, hy vọng đó ngày càng trở nên mong manh hơn khi gần đây, giá tôm dần dần sụt giảm trong khi mùa vụ thu hoạch rộ chỉ còn khoảng 2 tháng nữa.

Vừa trở về từ Hội chợ Thủy sản quốc tế Brussels, ông Hồ Quốc Lực,  Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, hiện tôm đang giảm giá là bởi áp lực bán tôm từ Ấn Độ, Ecuador và Indonesia lên tôm Việt Nam là rất lớn. “Tại hội chợ này, hầu hết khách hàng mua tôm đều phàn nàn tôm Việt Nam rất khó cạnh tranh do giá khá cao so nhiều nước. Với những gì diễn ra từ đầu năm đến nay, có thể dự báo, giá tôm nhiều khả năng còn giảm từ đầu tháng 7 tới khi Sóc Trăng và một số tỉnh ĐBSCL vào vụ thu hoạch rộ” - ông Lực chia sẻ. Đây thật sự là một thông tin không mong đợi đối với người nuôi tôm.

Để tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân, phóng viên được ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam giải thích: “Do khách hàng nắm bắt được vụ tôm ở Việt Nam sắp vào thu hoạch rộ và nghĩ sản lượng tôm năm nay của Việt Nam cũng như các nước sẽ cao hơn so với năm rồi nên họ không vội ký kết hợp đồng mà đợi giá rẻ mới mua. Tình hình giá tôm giảm không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng vậy. Hiện tại, do sản lượng tôm chưa nhiều, nên giá tôm vẫn còn ở mức chấp nhận được như khi vào thu hoạch rộ, giá tôm khó mà giữ được ở mức như hiện tại”.

Cũng theo ông Phục, hiện vẫn chưa đánh giá được sản lượng tôm của Ấn Độ, Ecuador và Indoneisa sẽ tăng bao nhiêu, nhưng điều đáng lo hiện nay chính là giá tôm của một số nước đang rẻ hơn tôm Việt Nam khá nhiều và đây mới chính là nguyên nhân làm cho giá tôm trong nước đi xuống trong thời gian gần đây. “Hiện Ecuador và Ấn Độ bán tôm với giá rất rẻ so với tôm Việt. Nếu tính tôm nguyên liệu, giá tôm của 2 nước này rẻ hơn tôm Việt Nam khoảng 1 USD/kg, còn nếu tính tôm thành phẩm giá bán của họ còn rẻ hơn nữa vì chi phí vận chuyển, sản xuất, lãi ngân hàng… của họ đều thấp hơn rất nhiều so với nước ta”, ông Phục nói.

Thách thức cho người nuôi và doanh nghiệp

Đánh giá về sản lượng tôm trong nước, theo các doanh nghiệp sản lượng tôm năm nay nếu có tăng cũng sẽ không quá nhiều so với năm 2018. Nguyên nhân là do hiện đang vào mùa mưa cũng là vụ nghịch đối với con tôm thẻ, nên với mức giá tôm thấp như hiện nay, rất ít người nuôi nhỏ lẻ dám thả nuôi, còn những hộ, trang trại, doanh nghiệp nuôi quy mô lớn, nuôi ứng dụng công nghệ cao cũng giảm mật độ nuôi vì đây cũng là thời điểm mưa bão nhiều, dịch bệnh dễ bùng phát, độ mặn, môi trường biến động mạnh.

Gần đây, giá điện lại tăng nên cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến đều bị phát sinh thêm chi phí. Ông Phục chia sẻ: “Trước khi giá điện tăng, bình quân mỗi tháng (kể cả chế biến và nuôi), Công ty tôi chi trả khoảng 4 tỷ đồng tiền điện, từ khi giá điện tăng lên, mỗi tháng tăng thêm khoảng gần 500 triệu đồng. Riêng lĩnh vực nuôi tôm công nghệ cao, bình quân để có 1 kg tôm tiêu tốn khoảng 4 kw điện”.

Viễn cảnh giá tôm cho thấy sẽ là rất khó khăn cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến; trong đó, người nuôi chịu thiệt nhiều nhất khi giá tôm giảm mạnh, như nhận định của một doanh nghiệp chế biến tôm tại Sóc Trăng: “Một khi doanh nghiệp bị khách hàng ép giá, chắc chắn doanh nghiệp sẽ giảm giá mua tôm của người nuôi để đảm bảo hiệu quả cũng như nguồn vốn kinh doanh của mình. Tuy nhiên, dù giá tôm sắp tới có giảm cũng sẽ không giảm sâu hơn vì nếu giảm quá sâu, người nuôi thua lỗ, họ sẽ “treo” ao, doanh nghiệp sẽ không có tôm để chế biến”.

 
>> Theo các doanh nghiệp, mức giá tôm hiện tại là do sản lượng tôm nhiều, họ buộc phải mua vào với mức giá này để đáp ứng những hợp đồng trước đó, còn khi tôm thu hoạch nhiều chắc chắn giá tôm sẽ giảm. Vì vậy, người nuôi tôm cần thận trọng trong việc chọn mật độ, quy mô thả nuôi cũng như quyết định thời điểm thu hoạch tôm hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất.
 

Theo: Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam 

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều
Bón vôi ngày mưa đúng cách cho ao nuôi tôm
Thứ ba, 10/09/2024 - 08:14 AM
84
Quản lý yếu tố môi trường trong ao nuôi
Thứ sáu, 13/09/2024 - 09:15 AM
54