Thi được điểm cao và đậu vào khoa Báo chí trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng vì nhà nghèo, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nên Ngọc đành gác lại giấc mơ vào giảng đường đại học.
Nữ sinh thi điểm Ngữ văn cao nhất trường
Ngày 20/8, thầy Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng trường THPT Nghi Lộc 4 (Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, hiện phía nhà trường đang tập trung kêu gọi sự hỗ trợ của các tập thể, cá nhân, các mạnh thường quân giúp đỡ một trường hợp học sinh học giỏi nhưng vì nhà nghèo nên không thể tiếp tục đi học đại học.
Cụ thể, trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, em Trần Thị Hồng Ngọc (SN 2001, học sinh lớp 12C1) đã đạt 26,5 (tính cả điểm ưu tiên). Trong đó, môn Ngữ văn, Ngọc thi đạt 9,25 điểm, cao nhất toàn trường, môn Lịch sử được 7,75 và môn Địa lý đạt 8,75 điểm.
Với số điểm trên, Ngọc đã thi đậu vào khoa Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, nhà nghèo, Ngọc đành phải gác lại giấc mơ vào giảng đường đại học.
Nghe tin Ngọc đạt điểm cao nhưng sẽ không đi học vì không có tiền, rất đông các thầy cô giáo và các bạn học sinh trong trường đến hỏi thăm, động viên chia sẻ với em.
"Trước mắt nhà trường đến hỏi thăm, động viên em Ngọc và gửi chút quà nhỏ của trường để động viên em ấy đi nhập học. Phía nhà trường sẽ cố gắng liên hệ kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ để giúp em có tiền nhập học.
Với thành tích, năng lực học như em Ngọc mà phải dừng lại thì chúng tôi rất tiếc cho tương lai của em", thầy Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Được biết, gia đình nữ sinh Ngọc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ của Ngọc - bà Trần Thị Hạt (SN 1962, trú xóm 7, xã Nghi Tiến, Nghi Lộc) bị cụt cánh tay trái.
Mới đây, bà Hạt lại phát hiện bị mắc chứng bệnh ung thư tuyến giáp. Gia cảnh vốn đã khó khăn, nay bà Hạt mắc bệnh khiến cuộc sống càng quay quắt. Hàng tháng, bà Hạt phải vào viện Ung Bướu điều trị với chi phí cao để mong giành giật lại sự sống.
"Tôi làm mẹ đơn thân, một mình nuôi con từ nhỏ. Năm 1985, trong lúc đi lao động đoàn xã thì bị cây đè phải cắt cụt cánh tay trái nên sức khỏe cũng yếu mà không làm được gì nặng.
Gắng làm nuôi con ăn học, giờ lại mắc bệnh, con thì học giỏi nhưng giờ tôi đành bất lực. Thấy có lỗi với con lắm.
Mấy hôm nay nó khóc suốt. Nó nói, giờ không học được mẹ đóng khung lại mà làm kỷ niệm", bà Hạt nói mà nước mắt rơi.
Nghĩ đến con, nhiều đêm bà Hạt nằm khóc một mình. Nhưng sợ con buồn, chán nản mà không giải quyết được việc gì nên bà Hạt không để con gái biết. Trước mặt con, bà Hạt lúc nào cũng động viên con lạc quan yêu đời, nhưng trong lòng bà lại rối bời, lo lắng.
"Em gọi điện báo tôi rồi nói phải cất giấy báo nhập học làm kỷ niệm"
Trong suốt 12 năm học, Ngọc luôn là học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt, Ngọc học giỏi đều tất cả các môn từ khối A cho đến khối C. Nhưng khi bước vào cấp 3, Ngọc đã hướng cho mình theo học khối C và cố gắng học.
Nói về học sinh của mình, cô Nguyễn Thị Nhàn (chủ nhiệm lớp 12C1) đánh giá, Ngọc là học sinh ngoan ngoãn, học giỏi. Ngoài việc học, Ngọc rất hòa đồng và năng nổ.
"Dạy em 3 năm liền, tôi đánh giá rất cao về em Ngọc. Em nghèo nhưng vẫn chịu khó và vươn lên.
Hôm thi biết điểm, em gọi điện báo cho tôi. Hôm nhận được giấy báo nhập học, em cũng gọi điện báo cho tôi. Nhưng em gọi vừa khóc vừa nói có lẽ em phải dừng không bước tiếp được nữa, em phải cất giấy báo này trong tủ làm kỷ niệm thôi. Nghe đến đó tôi cũng rơi nước mắt", cô Nhàn chia sẻ.
Ngồi cạnh bên, Ngọc tủi thân rơi nước mắt. Nghĩ đến cảnh không được tiếp tục đi học, không được theo đuổi giấc mơ của mình Ngọc buồn lắm. Nhưng nghĩ đến gia đình không có tiền để em nhập học, trong khi mẹ mang bệnh đang cần tiền chữa để chạy đua với tính mạng thì cô nữ sinh lại càng lo lắng hơn.
Video bà Trần Thị Hạt nói về hoàn cảnh khó khăn không thể cho con tiếp tục theo học đại học. (Ngọc Tú)
"Giấy báo nhập học trường gửi về cho em cũng lâu rồi, nhưng em chỉ dám mở ra xem rồi cất lại. Ngày 22/8 là hạn cuối nhập học, nhưng em không thể đi được.
Có lẽ em phải chọn nghề nào đó làm tạm để kiếm tiền phụ giúp em qua khó khăn này, cho mẹ chữa bệnh. Chứ giờ mẹ bệnh nặng, tháng nào cũng phải đi viện chữa trị.
Tiền trong nhà cũng không có. Giờ có vay cho em đi học thì mẹ không có tiền mà chữa bệnh. Em sẽ làm kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh và tiếp tục học rồi mấy năm nữa em đi học cũng chưa muộn", nói đoạn, nước mắt Ngọc nhòe đi.