Vấn đề khi sử dụng hóa chất, kháng sinh
Hiện nay, cùng với sự phát triển chung của ngành nuôi trồng thủy sản, nông dân đã chuyển dần từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh. Con giống được thả nuôi với mật độ dày và sử dụng thức ăn chế biến tổng hợp. Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh để trị bệnh cho thủy sản là điều tất yếu cần thiết. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp sử dụng hóa chất, kháng sinh cho phòng, trị bệnh không tuân thủ các quy định nên có tác dụng ngược, tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái của khu vực hoặc để lại dư lượng sản phẩm thủy sản, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Từ thực tế cho thấy, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu kiểm tra rất gắt gao về hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng nhưng vượt mức cho phép. Mặc dù cố gắng đạt được kế hoạch đề ra nhưng ngành thủy sản cả nước nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng vẫn đang phải tiếp tục vượt qua những rào cản kỹ thuật để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua hoạt động thu mẫu giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi là rất cần thiết.
Kiểm soát dư lượng các chất độc hại…
Thực hiện giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi (theo Thông tư số 31, ngày 6-10-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi), trong năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Sóc Trăng đã kiểm soát dư lượng các chất độc hại kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra nuôi được 380 mẫu. Kết quả phát hiện có 9 mẫu nhiễm kim loại nặng nhưng không vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định.
Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, an toàn thực phẩm và giá trị hàng thủy sản, những cơ sở nuôi tôm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nguyên liệu tôm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm để cung cấp cho nhà máy chế biến các sản phẩm thủy sản. Do đó, các cơ sở nuôi và cơ sở kinh doanh cần nắm bắt các quy định về việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm thủy sản.
Theo kỹ sư Bùi Văn Thanh - chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Sóc Trăng, thực hiện chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản sẽ giúp cho các cơ sở giám sát được các yếu tố đầu vào thông qua kết quả phân tích mẫu thủy sản nuôi, chi phí phân tích mẫu được Nhà nước hỗ trợ. Nếu mẫu có bị tồn dư kháng sinh, hóa chất độc hại thì được chi cục phối hợp xác định nguyên nhân và hướng dẫn khắc phục để thủy sản nuôi đạt chất lượng an toàn thực phẩm. Qua đó, giảm thiệt hại cho người nuôi, cơ sở thu mua, sơ chế và nhà chế biến do lô hàng không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Theo:tepbac.com