Mờ nhạt thú y thủy sản ở cơ sở

Thứ sáu, 08/10/2021 - 08:58 PM      407

BÌNH ĐỊNH-Khi trạm thú y các huyện sáp nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì vai trò của thú y, nhất là thú y thủy sản ở cơ sở càng mờ nhạt hơn...

Gian nan nắm bắt dịch bệnh thủy sản

Những năm qua, Bình Định phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ với đối tượng chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tập trung tại TP. Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn.

Tôm thẻ chân trắng thường mắc bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy (bệnh chết sớm) và bệnh môi trường. Trong đó, bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy gây hại lớn cho tôm nuôi, làm ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người nuôi tôm.

Việc điều tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh thủy sản rất khó khăn do ở cơ sở gần như vắng bóng thú y về thủy sản. Ảnh: Đình Vũ.
Việc điều tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh thủy sản rất khó khăn do ở cơ sở gần như vắng bóng thú y về thủy sản. Ảnh: Đình Vũ
 

Tôm bệnh ắt phải cần đến ngành thú y thủy sản can thiệp, thế nhưng theo bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định, hiện nay, hệ thống thú y thủy sản cơ sở ở Bình Định gần như bằng không. Trước đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định có đào tạo cho cán bộ thú y xã về mảng thủy sản, thế nhưng chẳng cho hiệu quả là mấy.

Bởi, cán bộ thú y xã trước giờ quen làm việc với chuyên môn động vật trên cạn với các đối tượng vật nuôi là heo, trâu, bò, vịt, gà. Các đối tượng gia súc, gia cầm này thường xuyên mắc bệnh nên luôn cần nhờ đến thú y can thiệp.

Ngoài theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn để báo cáo lên cấp trên, cán bộ thú y xã còn có thêm thu nhập từ nguồn chích thuốc điều trị bệnh cho vật nuôi. Trong khi vật nuôi thủy sản bị mắc bệnh thì cách điều trị không phải là “chích thuốc”, nên thú y cấp xã không có việc làm, đồng nghĩa không được kiếm thêm thu nhập nên cán bộ thú y cấp xã lơ là với mảng thủy sản. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định phải dựa vào hệ thống khuyến ngư của Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh để hoạt động.

“Năm 2016, khi trạm thú y các huyện sáp nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì vai trò của thú y, nhất là thú y thủy sản ở cơ sở càng mờ nhạt hơn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh không thể điều động cán bộ của các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.
Mỗi khi Chi cục đi cơ sở, họa hoằn lắm mới có cán bộ thú y xã tháp tùng đi công tác cùng. Còn chuyện cán bộ thú y xã tự động đi nắm bắt tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn hầu như là không có. Trong khi đó, cán bộ trên Chi cục xuống không thể kiểm tra rộng khắp, lại không rành địa bàn như cán bộ thú y cơ sở. Thế nên công tác nắm số liệu các vùng nuôi trồng thủy sản của chúng tôi là rất gian nan”, bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định chia sẻ.

Cần kiện toàn hệ thống thú y

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, trong năm 2020, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tham mưu Sở NN-PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định theo Luật Thủy sản năm 2017 về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Những năm gần đây, nhiều vùng tôm ở Bình Định đã nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Đình Vũ.
Những năm gần đây, nhiều vùng tôm ở Bình Định đã nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Đình Vũ.

 

Đồng thời, phối hợp phòng NN-PTNT và phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố ven biển cùng UBND các xã, phường, thị trấn mở 18 lớp phổ biến, tuyên truyền Luật thủy sản cho người nuôi. Trong đó, Chi cục đã tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo các UBND các xã, phường, thị trấn để bàn bạc, thảo luận và đưa ra giải pháp triển khai việc cấp Giấy xác nhận nuôi thủy sản chủ lực theo Luật Thủy sản 2017.

Về công tác tuyên truyền, cách đây vài 3 năm, từ nguồn tài trợ của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thủy sản Bình Định đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi tôm hiểu là dùng kháng sinh nhiều trong quá trình nuôi thì tôm sẽ chậm lớn. Hơn nữa, khi tôm nuôi có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép thì sẽ không xuất khẩu được, đồng nghĩa là thương lái sẽ không thu mua.

“Thương lái thu mua tôm đều test mẫu, nếu tôm đảm bảo dư lượng kháng sinh họ mới mua với giá cao, nếu dư lượng kháng sinh trong tôm vượt ngưỡng cho phép thì họ không mua, nếu mua thì với giá rất thấp. Do đó, những năm gần đây nhiều vùng tôm đã nuôi theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo đầu ra cho tôm nuôi và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”, bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định cho hay.

"Lo lắng lớn nhất của ngành chức năng hiện nay là người nuôi tôm hay giấu khi ao nuôi của mình bị dịch bệnh. Họ giấu là vị sợ thông tin tôm bị dịch bệnh loan truyền ra thì thương lái sẽ không mua, thế nhưng đây là nguy cơ gây lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.

Theo quy định, khi tôm nuôi bị dịch bệnh mà chủ cơ sở nuôi không báo cáo và tự ý xả thải ra môi trường đều là vi phạm, mỗi vi phạm đều có khung phạt cụ thể, thế nhưng chính quyền cấp xã chẳng mấy khi phạt, nên người nuôi không ý thức được những hành vi trên là phạm luật.

Quy định thì có đấy, nhưng không có thực thi nên người nuôi tôm không được nâng cao ý thức. Trong thời gian tới, hệ thống thú y cần kiện toàn để làm cầu nối đưa Luật Thủy sản, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến với cộng đồng”.

(Bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định).

Đình Vũ
Nguồn: nongnghiep.vn
Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch
Thứ hai, 16/09/2024 - 09:10 AM
91
Châu Á: Phục hưng ngành tôm
Thứ năm, 29/08/2024 - 04:30 PM
254
Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Thứ sáu, 26/07/2024 - 08:15 AM
233
Tin xem nhiều
Châu Á: Phục hưng ngành tôm
Thứ năm, 29/08/2024 - 04:30 PM
254
Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch
Thứ hai, 16/09/2024 - 09:10 AM
91