Khuyến nông Cà Mau: Phát huy vai trò cầu nối phát triển thủy sản

Thứ tư, 13/11/2019 - 02:23 PM      626

Thủy sản được xác định là ngành hàng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp tại Cà Mau, chính vì vậy, lĩnh vực này cũng nhận được sự quan tâm của các ngành chức năng, trong đó có khuyến nông. Thời gian qua, khuyến nông Cà Mau đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp góp phần phát triển ngành thủy sản hiệu quả bền vững. Cùng Thủy sản Việt Nam lắng nghe chia sẻ của ông Tiết Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau về những điều này.

 

Ông có thể cho biết những hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Cà Mau cho lĩnh vực khuyến nông của tỉnh những năm qua và những kết quả nổi bật năm 2019?

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành NN&PTNT, công tác chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật thời gian qua đã có sự đóng góp rất lớn cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; phong trào trồng lúa trên đất nuôi tôm có sự chuyển biến tích cực diện tích lúa tôm hàng năm đạt trên 40.000 ha. Trong năm 2019 Trung tâm tập trung triển khai nội dung nổi bật như: 

- Nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả và phát triển nuôi tôm 2 giai đoạn. Kết quả, diện tích nhân rộng nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn đến cuối năm 2018 là 38.911 ha, có 22.113 hộ, đến cuối tháng 9/2019 là 51.721 ha, tăng 12.810 ha, năng suất bình quân 350 - 400 kg/ha/năm. Mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ: Năm 2019 thực hiện là 14.951 ha/36.181 ha (lúa 2 vụ), lúa - tôm 38.050 ha, tính cả lúa - tôm thì diện tích gieo sạ dưới 120 kg/ha là 53.000 ha. 

- Xây dựng vùng sản xuất lúa - tôm an toàn nâng cao năng suất chất lượng, tập trung vùng nguyên liệu, với diện tích 200 ha ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình trong vụ mùa sản xuất lúa tôm năm 2019; ước đạt sản lượng lúa trên đất nuôi tôm là 1.000 tấn.

- Phát động phong trào nhân rộng sản xuất lúa, rau an toàn hạ chi phí giá thành sản phẩm, chuyển đổi lúa giống chất lượng cao cho vùng sản xuất lúa - tôm. Qua các cuộc hội thảo phát động, diện tích sản xuất lúa an toàn trên toàn tỉnh đã đăng ký thực hiện là 1.673 ha; trong đó, huyện Trần Văn Thời 1.073 ha, huyện U Minh 200 ha, huyện Thới Bình 200 ha, TP Cà Mau 200 ha.

- Tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề giảm chi phí sản xuất trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. 

 

Là một trong những địa phương phát triển về thủy sản, theo ông, khuyến nông đã hỗ trợ và tác động như thế nào tới kết quả về hoạt động lĩnh vực này của địa phương? 

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập trung vào tuyên truyền, xây dựng nhân rộng mô hình NTTS có hiệu quả khá cao đã được chính quyền địa phương và bà con quan tâm và nhân rộng khá nhanh, gồm: Mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, đến nay diện tích 8.592,13 ha/14.207 hộ, đạt 80,34% so kế hoạch (trong đó nuôi TTCT siêu thâm canh 2.472 ha; năng suất 25 - 40 tấn/ha); nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn: năm 2019 là 51.69 ha, đạt 100,8%. Đây là hình thức nuôi được áp dụng cho nhiều loại hình nuôi như: chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng... Mô hình kiểm soát được mật độ, tăng tỷ lệ sống, chi phí thả giống thấp, dễ áp dụng, hiệu quả và bền vững, đồng thời rút ngắn được thời gian sản xuất, tăng năng suất trên đơn vị diện tích... Mô hình này từng bước khẳng định tính hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng triển khai thực hiện nhiều mô hình NTTS cũng rất hiệu quả khác như: nuôi tôm kết hợp; nuôi tôm càng xanh; nuôi cá chình, bống tượng; sò huyết… 

 

Thưa ông, thực hiện mục tiêu khuyến nông gắn liền với người nuôi, ngành khuyến nông có biện pháp và cách làm như thế nào?

Trung tâm sẽ phối hợp trong các chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển theo hướng bền vững, toàn diện, có cơ cấu kinh tế phù hợp, có các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, sản xuất hàng hóa có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; đẩy mạnh xã hội hóa việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất dưới các hình thức đa dạng như: phổ biến kinh nghiệm của những người sản xuất giỏi ở địa phương; các tổ chức đoàn thể ở nông thôn, lồng ghép việc phổ biến, tuyên truyền khoa học kỹ thuật có khả năng phát triển kinh tế ở địa phương. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền bà con nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tổ chức lại sản xuất theo hướng THT, HTX, hình thành các chuổi liên kết, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị, hướng đến an toàn, chất lượng...

 

Định hướng của ngành khuyến nông trong thủy sản để sản phẩm thuận lợi hơn trong xuất khẩu thưa ông?

Sản xuất đa phần là nhỏ lẻ, manh mún là khó khăn không chỉ trong lĩnh vực khuyến nông mà còn các lĩnh vực khác khi gia nhập hiệp định thương mại, mà cụ thể đó là sản xuất không tập trung cho công tác tuyên truyền, khuyến cáo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công tác liên kết các thành phần trong chuổi giá trị cũng gặp rất nhiều khó khăn, các chuỗi sản xuất thiếu bền vững, lĩnh vực khuyến nông khó phát triển...

Vấn đề này thực hiện Thông báo số 89/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Qua đó, tỉnh đã có chủ trương định hướng thực hiện Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó phải đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Trân trọng cảm ơn ông!

 >> Trong NTTS, trình độ sản xuất của nông dân tăng lên thể hiện rõ qua năng suất tôm bình quân từ 356 kg/ha năm 2009 tăng lên 500 kg/ha vào năm 2019. Tính đến 2019, có trên 95% số sản xuất nông nghiệp nắm được các quy trình kỹ thuật cơ bản trong sản xuất qua các lớp tập huấn khuyến nông.

Theo: Thủy Sản Việt Nam

Tags:
Ý kiến của bạn