Khoa học công nghệ-"Chìa khóa vàng" giúp ngành thủy sản phát triển

Thứ năm, 21/11/2024 - 09:18 AM      89

(TSVN) – Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được coi là “chìa khóa vàng” không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, ô nhiễm môi trường…

Vai trò quan trọng

Ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam luôn đứng top 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Na Uy. Để đạt thành công đó, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được coi là “chìa khóa vàng” giúp ngành thủy sản ngày một phát triển, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,97 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ NN&PTNT nhận định, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu 10 tỷ USD về giá trị xuất khẩu trong cả năm 2024.

Tuy nhiên để đạt mục tiêu trên, theo ông Hoàng Văn Hồng, ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp thì việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua hoạt động khuyến nông là thực sự cần thiết. Với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ nuôi 2 giai đoạn, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ sinh học quản lý môi trường nuôi và chất thải luôn được ưu tiên phát triển và nhân rộng.

Bên cạnh đó, hiện nay công nghệ khai thác ứng dụng đèn led, hầm bảo quản sản phẩm, nhật ký điện tử trên biển giúp nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý tốt đội tàu khai thác hải sản xa bờ góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chống khai thác bất hợp pháp IUU.
Đặc biệt sau bão số 3, các tỉnh phía Bắc càng khẳng định được vai trò của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật khi lồng bè gỗ, phao xốp nhựa truyền thống, ao hồ thiết kế không phù hợp đã bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Tuy nhiên những lồng bè nuôi sử dụng công nghệ lồng HDPE, lắp đặt theo thiết kế và tư vấn của các chuyên gia đã cho thấy hiệu quả rõ rệt nên thiệt hại rất thấp.

Nâng cao hiệu quả

Theo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã làm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 30%; thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Giai đoạn 2019 – 2024 đã có 26 dự án nuôi thủy sản nước ngọt được triển khai thực hiện thông qua chương trình khuyến nông với 20 tiến bộ kỹ thuật mới về giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và kỹ thuật nuôi trong ao đầm, trong lồng bè đã được triển khai và khẳng định trong thực tiễn sản xuất giúp người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống cho người nuôi.

Theo đó, tiến bộ kỹ thuật về giống như chuyển giao giống mới, chất lượng, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao vào sản xuất như cá rô phi đơn tính, trai lấy ngọc, cá trắm đen, cá tầm, cá tra… đã góp phần tăng năng suất tôm/cá từ 15 – 20% so với sản xuất đại trà, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi từ 10 – 20%.

Để áp dụng vào sản xuất

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thông tin, giai đoạn 2014 – 2024, Viện đã có 15 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó có 3 tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống; 8 tiến bộ kỹ thuật về công nghệ nuôi thương phẩm và 4 tiến bộ kỹ thuật về bệnh thủy sản. Những tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận thời gian qua đã và đang được ứng dụng rộng rãi, giải quyết được những vấn đề cấp thiết trong nuôi trồng thủy sản như bệnh trên tôm hùm, tôm nước lợ; công nghệ nuôi thương phẩm cá biển, cá nước lạnh; vấn đề môi trường nuôi… Tuy nhiên, số lượng tiến bộ kỹ thuật được công nhận chưa tương xứng các nghiên cứu, số lượng quy trình mà Viện đã tạo ra.

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. Ảnh: ST

PGS.TS Võ Văn Nha – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho rằng, ngôn ngữ của khoa học khác với ngôn ngữ nông dân cho nên phải chuyển đổi ngôn ngữ của nhà khoa học làm sao cho nông dân dễ hiểu là rất cần thiết. Vấn đề này là trách nhiệm của nhà khoa học phải làm. Ngoài ra, các nhà khoa học cần quan tâm đến những vấn đề mà doanh nghiệp và nông dân cần, từ đó áp dụng trong đời sống.

“Để làm được điều này, các nhà khoa học cần phải cầm tay chỉ việc và đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III rất chú tâm trong chuyển giao để các tiến bộ kỹ thuật giúp doanh nghiệp, nông dân sản xuất hiệu quả”, PGS.TS Võ Văn Nha cho biết.

Cũng tại Hội thảo, đại biểu được giới thiệu các ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng phục vụ chế biến; giới thiệu kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại Khánh Hòa và đề xuất các giải pháp; kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Lâm Đồng; quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm Nga, cá tầm Siberi…

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Tags:
Ý kiến của bạn