Giá thành sản xuất tôm nuôi: So sánh với Ecuador là sự khập khiễng, không cùng hệ quy chiếu

Thứ năm, 01/06/2023 - 10:50 AM      381

Giá thành sản xuất tôm nuôi: So sánh với Ecuador là sự khập khiễng, không cùng hệ quy chiếu

(TSVN) – Việt Nam thuộc một trong những nước có nền sản xuất và xuất khẩu tôm thuộc top đầu thế giới. Tuy nhiên, có một nghịch lý vẫn luôn xảy ra, đó là: Chi phí nuôi tôm cao, giá bán tôm cao nhưng người nuôi tôm chưa thể làm giàu với với nghề. Trong khi có quan điểm cho rằng, giá thành sản xuất nuôi tôm của Việt Nam còn khá cao từ 20.000 – 30.000 VNĐ/kg so với Ấn Độ và Ecuador. Sự so sánh này khá khập khiễng và không cùng hệ quy chiếu.

Thực trạng giá thành tôm nuôi ở Việt Nam

Ecuador tích tụ ruộng đất nên mỗi trại nuôi có diện tích tối thiểu vài chục ha, lên tới vài trăm ha, hay cả nghìn ha thậm chí có doanh nghiệp lên tới 4.000 ha nuôi tôm, nên họ hoàn toàn có thể nuôi mật độ thưa vẫn có sản lượng… Việt Nam nuôi thưa như kiểu Ecuador thì không có sản lượng vì diện tích trại nuôi quá bé, trừ một số tập đoàn, công ty (như Minh Phú, Bim, Trung Sơn…) có vài trăm ha thì có thể nuôi thưa kiểu Ecuador nếu họ sẵn lòng chuyển đổi mô hình.

Nuôi thưa 20 con/m2 như Ecuador có thể dùng thức ăn đạm thấp (35 – 28% đạm) vì tôm đã có thêm dinh dưỡng từ nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Chi phí nuôi tôm chủ yếu là do thức ăn (50%) trong khi Việt Nam do diện tích trại nuôi nhỏ muốn có sản lượng phải nuôi dày – muốn nuôi dày phải dùng thức ăn cao cấp…

Một số ý kiến cho rằng vì thức ăn chiếm 50% nên giá thức ăn cao cấp cao dẫn đến chi phí thức ăn nuôi 1 kg tôm ở Việt Nam phải cao hơn thì không hẳn như vậy… Năm 2016, khi khảo sát thức ăn của Ấn Độ và Ecuador cho thấy, nuôi tôm bằng thức ăn đạm cao rút ngắn được thời gian nuôi (đạt 20 g chỉ mất 80 ngày ở Việt Nam trong khi mất 90 – 115 ngày ở Ecuador và 110 – 130 ngày ở Ấn Độ). Đặc biệt, thức ăn đạm thấp mà đẩy mật độ cao lên chút như Ấn Độ sẽ đẩy FCR cao hơn nhiều so với thức ăn đạm cao tính trên cùng size tôm (20 g), nên cuối cùng chi phí thức ăn cũng không thấp hơn mà kéo dài thời gian nuôi hơn.

Hầu hết người nuôi tôm ở Việt Nam là nông dân thiếu vốn, mua công nợ tôm giống, thức ăn, thuốc men, vật tư… qua các đại lý nhiều cấp thì phải chịu giá mua cao hơn giá mua tiền mặt rất nhiều; đây là lý do chính đáng đẩy chi phí giá thành nuôi tôm ở Việt Nam lên quá cao. Trong khi nuôi tôm quy mô trang trại lớn như Ecuador thì họ mua thức ăn, thuốc men, vật tư… thẳng từ nhà máy thức ăn và công ty bán vật tư hay cùng lắm là qua Nhà phân phối cấp 1 chứ không thể qua Đại lý nhiều cấp như ở Việt Nam!!! Khác biệt về giá mua thức ăn, vật tư, thuốc men… đầu vào là lý do chính đáng nhất cùng với hệ thống nuôi thưa của Ecuador tận dụng được thức ăn tự nhiên và giảm chi phí quạt nước, điện nước, ôxy và cả chi phí nhân công chính là bài toán có giá thành thấp hơn tôm nuôi Việt Nam nhiều.

Indonesia là quốc gia gần tương đồng với Việt Nam về mô hình nuôi nhưng họ dùng thức ăn đạm thấp (35 – 38% đạm) thì hệ số thức ăn cũng cao hơn ở Việt Nam nhiều khi tính trên cùng size tôm cho nên khác biệt chi phí thức ăn là không lớn. Khác biệt lớn nhất vẫn là các trại nuôi từ 20 ao trở lên đa số mua thức ăn trực tiếp từ nhà máy hay từ Đại lý cấp 1 và người nuôi ở Indonesia đa số là trại nuôi tương đối nhiều ao và có vốn, không mua nợ qua đại lý nhiều cấp như ở Việt Nam.

Ai cũng đồng ý rằng, nâng tỷ lệ nuôi thành công để giảm giá thành nhưng việc này quốc gia nào cũng muốn cả nhưng không dễ một sớm một chiều cải thiện được, mà nó cần cả một chiến lược tổng thể về con giống, thức ăn, mô hình nuôi và các hỗ trợ tập huấn, đào tạo và chia sẻ của cộng đồng nuôi tôm. Lấy ví dụ, Ecuador có tỷ lệ thành công cao trên khía cạnh con giống là nhờ họ giảm được rủi ro bệnh virus đốm trắng thông qua sự chọn lọc giống thông minh qua nhiều thập kỷ, khi các trại giống chọn những con tôm sống sót từ ao nuôi bị virus đốm trắng để nuôi thành tôm bố mẹ và nhờ đó nguồn tôm giống của Ecuador ngày nay gần như kháng được bệnh virus đốm trắng. Trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ thành công thấp chủ yếu rơi vào mô hình nuôi ao đất do không đảm bảo đủ an toàn sinh học cũng như không loại bỏ được ký chủ trung gian của mầm bệnh virus đốm trắng, nên hàng năm gây thiệt hại lớn cho người nuôi mô hình ao đất. Ngoài ra, sự ô nhiễm nguồn nước do đặc thù vùng triều thấp của ĐBSCL cùng với hệ thống thủy lợi kém đã không đưa được nguồn chất thải ra cửa sông và biển như các quốc gia nuôi tôm vùng triều cao (Indonesia); trong khi mô hình nuôi ao đất cũng ít đầu tư hơn về quạt nước và xử lý nguồn nước, nên rủi ro của các mầm bệnh khác cũng cao hơn nhiều so với mô hình nuôi ao lót bạt, dẫn đến tỷ lệ nuôi ao đất ở Việt Nam thành công thấp (<40%).

Thực trạng của giá thành tôm nuôi ở việt Nam cao là vậy, chúng ta cần nhìn thẳng và không nên so sánh với một quốc gia khác không cùng hệ quy chiếu, để hiểu rõ hơn và tìm các giải pháp trước mắt cũng như xây dựng chiến lược tổng thể và có lộ trình để giải quyết bài toán trong tầm nhìn dài hạn.

Giải pháp giảm giá thành

Các giải pháp trước mắt cần tập trung, bao gồm:

– Tập trung vào phát triển hệ thống nuôi ao đất điển hình một cách hoàn chỉnh từ thiết kế ao lắng lọc, quy trình xử lý nước đầu vào và biện pháp an toàn sinh học, mô hình nuôi hợp lý cho nông hộ nhỏ, nhằm xây dựng mô hình nuôi thành công cao cho ao đất để chuyển giao.

– Tập huấn kiến thức cho người nông dân trại nuôi nhỏ và chuyển giao mô hình nuôi ao đất thành công điển hình cho các hộ nuôi theo cụm nuôi để nâng cao tỷ lệ thành công ao đất.

– Các hộ nuôi trong cùng cụm nuôi nên hình thành Tổ nuôi liên kết để có sức mạnh đàm phán mua tôm giống, thức ăn, vật tư đầu vào với giá thấp, cùng với hỗ trợ vốn vay cho các cụm nuôi có sự liên kết tổ, nhóm của nông dân.

– Chuẩn hóa điều kiện đối với trại nuôi ao bạt chưa đạt chuẩn.

Chiến lược tổng thể và dài hạn cần đầu tư, bao gồm:

Cần ưu tiên nhập giống kháng bệnh và kiểm soát chất lượng tôm giống xuất bán.

Khai thông hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước cho các vùng nuôi tôm trọng điểm.

Quy hoạch tốt vùng nuôi theo các mô hình tùy thuộc thế mạnh tự nhiên mỗi tỉnh (nuôi ao bạt, nuôi ao đất, nuôi tôm rừng, nuôi tôm – lúa).

Phát triển vùng nuôi và hợp tác xã nuôi tôm theo các mô hình liên kết chuỗi sản xuất cùng với hỗ trợ vốn vay cho các vùng nuôi liên kết để tăng sức mạnh đàm phán giá mua tôm giống, thức ăn và vật tư đầu vào.

Phát triển các Trung tâm tập huấn, đào tạo kỹ thuật ở mỗi tỉnh thông qua việc thuê chuyên gia, kỹ sư nuôi tôm giỏi và các hộ nuôi tôm thành công để tập huấn, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm nuôi cho nông dân trong vùng.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn

TS Nguyễn Duy Hòa

Giám đốc kỹ thuật Ngành hàng Empyreal, Cargill Inc.

Tags:
Ý kiến của bạn