Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, đến cuối tháng 10/2019, tổng diện tích thanh long toàn tỉnh gần 30.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… với tổng sản lượng thu hoạch khoảng 600.000 tấn/năm.
Đây là cây trồng mà thời gian qua đã giúp nông dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Tuy nhiên để thanh long phát triển bền vững, một trong khâu sản xuất nông dân cần thay đổi, đó là chuyển từ cách tưới dí sang tưới tiết kiệm.
Tưới tiết kiệm cho cây thanh long ở Bình Thuận |
Theo ông Phan Văn Tấn, phương pháp tưới dí hay hệ thống tưới không đảm bảo kỹ thuật (cầm vòi xịt vào bồn) sẽ gây thất thoát nước, cũng như dinh dưỡng ra ngoài bồn (khu có vùng rễ tích cực). Thậm chí việc tưới dí nhiều nước nhiều khi vô tình làm xói vùng rễ, động rễ... sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển cây trồng.
Nếu bà con áp dụng tưới đúng kỹ thuật, tức là tưới tiết kiệm sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Cụ thể, cách tưới này không chỉ giúp người trồng thanh long tiết kiệm công tưới, công bón phân, tránh lãng phí nước…mà còn giúp cây được tưới đúng, tưới đủ lượng nước và lượng dinh dưỡng trong từng giai đoạn như: dưỡng dây, nuôi trái… Từ đó, cây thanh long phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định.
Cũng theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện nay, rất nhiều mô hình tưới tiết kiệm hiệu quả. Tuy nhiên giải pháp tưới nhỏ giọt bằng thiết bị dây tưới nhỏ giọt có công nghệ bù áp không chỉ hiệu quả mà còn bền vững. Người trồng có thể đầu tư 1 lần dùng đến 10 – 15 năm. Cách tưới này tiết kiệm được 80% công tưới so với công tưới truyền thống (PV- thời gian tưới cho 1 ha tưới dí mất tới 36 giờ bơm).
“Hiện có khoảng 40% trên tổng diện tích thanh long Bình Thuận có hệ thống tưới. Tuy nhiên nông dân áp dụng tưới nhỏ giọt chiếm khoảng 5.000 ha… chủ yếu tập trung ở các trang trại và một số hộ nông dân trồng thanh long có diện tích lớn…”, ông Tấn chia sẻ.
Ghi nhận của chúng tôi tại vườn thanh long rộng 3 ha, khoảng 3.000 trụ thanh long của gia đình ông Đặng Thanh Phục, xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) hiện ứng dụng tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân hòa tan theo công nghệ Israel. Hệ thống kỹ thuật tưới này gồm bể chứa, bể châm phân, máy bơm, thiết bị lọc và hệ thống tưới cành và tưới gốc. Trong đó, hệ thống tưới gốc được thiết kế mỗi trụ thanh long đều có đường dây ống nhỏ giọt (15 lỗ) khoanh tròn quanh gốc cây, bán kính của khoanh tròn bằng ½ bán kính rễ cây.
Ông Phục cho biết, nhờ công nghệ tưới này mà gia đình ông giảm được chi phí nhân công, tiết kiệm được phân bón và lượng tưới thất thoát đáng kể. Bên cạnh đó, do lượng nước chỉ nhỏ giọt tạo ẩm trong vùng gốc nên hạn chế cỏ dại và sâu bệnh lây lan. Không những thế, năng suất vườn thanh long nhà ông cũng từ đó tăng lên 1/3 lần so với trước đây chưa áp dụng.
Tương tự, vườn thanh long rộng 34 ha, khoảng 38.000 trụ của gia đình ông Trịnh Anh Hào, xã Hàm Minh cũng áp dụng ứng dụng tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân hòa tan theo công nghệ Israel mang lại hiệu quả vượt trội.
Ông Hào cho biết, gia đình áp dụng công nghệ tưới này từ năm 2011, với diện tích ban đầu 2 ha. Do thấy hiệu quả cách tưới này đã tiết kiệm được công lao động tưới lớn, hạn chế thất thoát nước và phân bón, cũng như cải thiện năng suất thanh long nên ông đầu tư mở rộng dần theo hằng năm. Mặc dù chi phí đầu tư cho công nghệ tưới này hiện khoảng 130 triệu đồng/ha.
“Với diện tích trên nếu tưới tràn thì phải mất 34 công lao động (trung bình mỗi người tưới 1.000 trụ/ngày) mới tưới xong trong 1 ngày. Tuy nhiên khi gia đình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt này chỉ cần 1 công lao động và mất 3 tiếng đồng hộ là tất cả trụ thanh long đã được tưới xong.
Bên cạnh đó, nhờ công nghệ tưới này mà gia đình bón phân cho cây hấp thụ được từ 70-80%, trong khi bón tay cây chỉ hấp thụ khoảng 30% lượng phân bón. Đặc biệt, thời điểm bón phân mình chủ động hoàn toàn nên kịp thời vụ. Do đó, năng suất cây trồng tăng, trung bình mỗi trụ thanh long gia đình thu được 50kg/năm, trong khi trước đây tưới tràn cao nhất chỉ 40 kg/trụ/năm”, ông Hào khẳng định.
Theo: http://www.hoinongdan.org.vn