Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, vụ Hè Thu, Thu Đông là vụ quan trọng và Bộ xác định sản xuất còn gặp khó khăn bởi tình hình hạn, mặn có thể diễn biến phức tạp, nhất là đầu vụ Hè Thu. Do đó, vụ Hè Thu sẽ được phân ra làm 2 vùng, vùng ngọt sẽ đẩy mạnh xuống giống sớm, hiện các địa phương đã xuống giống được khoảng 400.000 ha để kịp thời bố trí vụ Thu Đông. Còn vùng ven biển đang chịu hạn, mặn sẽ phải đảm bảo nguyên tắc hết mặn và thau chua, rửa mặn xong mới xuống giống. Vùng này sẽ không vội vàng xuống giống khi không an toàn. Cơ cấu giống cũng sẽ cụ thể để đảm bảo chất lượng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Với vụ Thu Đông, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ xây dựng kế hoạch sẽ gieo cấy khoảng từ 750.000-800.000 ha. Diện tích gieo cấy sẽ tùy thuộc vào tình hình lũ và thị trường để điều chỉnh sản xuất.
“Việc điều chỉnh như thế nào thì sản xuất phải an toàn là trên hết, đặc biệt là trong tình hình đảm bảo an ninh lương thực cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, dù sản xuất gặp khó khăn, nhưng ngành đưa ra mục tiêu đảm bảo vụ Hè Thu và Thu Đông thắng lợi.”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Theo Cục Trồng trọt, vụ Hè Thu 2020, vùng Nam Bộ dự kiến sẽ gieo sạ trên 1,6 triệu ha với năng suất 56,41 tạ/ha và sản lượng 9,18 triệu tấn. Cơ cấu nhóm giống lúa chủ lực trắng trong, hạt dài là OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, Jasmine 85… chiếm tỷ lệ 55-60%; đặc sản 15 - 20%; nếp 10%; chất lượng trung bình có thể duy trì 15% trong cơ cấu giống.
Vụ Thu Đông 2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến gieo sạ 750.000 ha ha; năng suất 55,35 tạ/ha và sản lượng 4,151 triệu tấn. Vụ Mùa 2020, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 278.000 ha, năng suất 49 tạ/ha và sản lượng 1,363 triệu tấn.
Năm 2020, vùng Nam Bộ dự kiến gieo sạ trên 4,27 triệu ha với năng suất 60,5 tạ/ha và sản lượng gần 26 triệu tấn, tăng trên 146.000 tấn so với năm 2019.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của vụ Hè Thu cần có sự tính toán hợp lý căn cứ vào tình hình cung cấp nước cho sản xuất; xây dựng kế hoạch thời vụ chặt chẽ với từng tiểu vùng sinh thái.
Đối với vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu và vùng Đồng Tháp Mười, một phần Tứ giác Long Xuyên, Cần Thơ, Hậu Giang… khuyến cáo nông dân xuống giống trong tháng 3, 4.
Các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ I cách biển 70 km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh xuống giống trong tháng 5. Đồng thời, sẽ xuống giống khoảng nữa đầu tháng 6 khi có mưa tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 50 km.
Về nguồn nước cho gieo cấy, GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho biết, toàn bộ các cửa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long có độ mặn đã vượt so với mức lịch sử của 2015-2016 và sâu hơn từ 7-10km. Dự báo mùa mưa năm nay sẽ đến trễ khoảng 2 tuần so với trung bình nhiều năm. Từ nay đến giữa tháng 5, tình hình nguồn nước ở khu vực còn khá khó khăn nên đầu vụ Hè Thu sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ngành cũng không quá lo lắng về hạn, mặn và có kế hoạch điều hành sản xuất vụ này cho phù hợp. Với vụ Thu Đông chủ yếu là tránh lũ, nhưng hiện tại chưa có cảnh báo chi tiết về lũ. Dự báo, lũ Đồng bằng sông Cửu Long ít có khả năng đến sớm và lũ nhỏ.
Cụ thể về nguồn nước, khu vực lưu dòng chính sông Đồng Nai (các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện các hồ chứa có dung tích đạt 33% dung tích thiết kế, thấp hơn so với các năm trước. Do đó các địa phương, khu vực này cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho đến hết vụ Đông Xuân và Hè Thu 2020. Hồ Suối Vọng, hồ Gia Ui (Đồng Nai) có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ Đông Xuân.
Lưu vực sông Bé (các tỉnh Bình Phước, bình Dương, Đồng Nai), dung tích trữ nước của các hồ chứa trung bình đạt 67% dung tích thiết kế. Nguồn nước này sẽ đảm bảo cấp nước hết vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu. Lưu vực sông Sài Gòn (các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh), dung tích trữ nước của các hồ chứa trung bình đạt 63% dung tích thiết kế. Nguồn nước này dự kiến sẽ đảm bảo đủ cấp nước cho vụ Hè Thu.
Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo nửa cuối tháng 4 xâm nhập mặn sẽ giảm nhanh ở các cửa sông Cửu Long; đầu tháng 5 các vùng cửa sông Vàm Cỏ và Cái Lớn sẽ bắt đầu giảm. Do đó, việc xuống giống vụ Hè Thu có thể thực hiện đồng loạt từ tháng 4, đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi, cần đề phòng tình trạng thiếu nước vào đầu vụ nếu mưa xuất hiện muộn. Những khu vực bị ảnh hưởng bởi mặn phải rửa mặn, phèn thật kỹ trước khi xuống giống.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Nam Bộ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, giảm 68.500 ha; năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn, giảm 261.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2018–2019.
Để né hạn, mặn, vụ Đông Xuân 2019-2020 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện sớm hơn từ 10-30 ngày so với vụ Đông Xuân năm trước. Thời tiết thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít; lúa lúc trổ gặp thời tiết tương đối thuận lợi không bị gặp mưa trái mùa, ngày nắng và đêm lạnh dẫn đến đậu hạt tốt và cho cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.
“Việc xuống giống sớm, sử dụng giống ngắn ngày, gieo cấy tập trung trong tháng 10 và 11 đã đem lại hiệu quả trong vụ Đông Xuân vừa qua.”, ông Lê Thanh Tùng chỉ ra.
Ngoài ra, vụ Đông Xuân 2019-2020, cơ cấu giống cũng đạt yêu cầu để phục vụ cho xuất khẩu. Diện tích trồng giống lúa thơm, đặc sản và chất lương cao tăng so với vụ Đông Xuân năm trước, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao của nhóm giống lúa này.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm lúa thơm, đặc sản như đài thơm, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9… chiếm tỷ lệ 45,02% tổng diện tích, tăng 12,62% so với Đông Xuân 2018 – 2019. Nhóm chất lượng trung bình chỉ chiếm 12,6%, giảm 3,92% so với Đông Xuân 2018-2019./.