Theo đánh giá của cơ quan chức năng, điều kiện về đất đai, nông hóa thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu của đa số các huyện trong tỉnh Hà Giang khá thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển, mở rộng diện tích trồng lạc và đậu tương… Vì vậy, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên nhiều vùng trồng lạc và đậu tương có quy mô lớn, tập trung theo hướng hàng hóa, tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê…
Vụ Xuân 2020, tổng diện tích trồng lạc của Hà Giang đạt gần 5.319 ha (chiếm khoảng 21,4% diện tích các loại cây nông nghiệp); năng suất lạc những năm gần đây đạt bình quân 22,3 tạ/ha và cho giá trị thu nhập từ 37 – 40 triệu đồng/ha/vụ. Đối với cây đậu tương, tổng diện tích đậu tương của tỉnh trong vụ Xuân 2020 đạt trên 5.258 ha (chiếm khoảng 21,0%), năng suất đạt từ 20 – 25 tạ/ha và giá trị thu nhập đạt từ 32 – 35 triệu đồng/ha/vụ. Qua đó cho thấy, cây lạc và đậu tương đã thực sự trở cây hàng hóa cho thu nhập cao so với cây lúa tại nhiều huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp – PTNT Hà Giang: Trong những năm qua, do hạn hán kéo dài nên nguồn nước tưới cho cây lúa không đảm bảo, vì vậy năng suất lúa thường bị giảm mạnh, nhiều hộ gia đình tại các huyện, thành phố trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển dần các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, đậu tương… Thực tế cho thấy, thu nhập từ cây lạc và cây đậu tương cao hơn nhiều so với cây lúa; trong khi đó đầu tư công lao động và công tác phòng trừ sâu bệnh lại đơn giản, ít tốn kém hơn.
Do diện tích trồng lạc, đậu tương không ngừng được nâng lên, các phòng ban chức năng của các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê…. cũng từng bước khuyến cáo người dân dần thay thế các giống lạc cũ năng suất thấp sang trồng giống lạc L14 có năng suất và chất lượng cao. Cho tới thời điểm hiện nay, giống lạc L14 đã chiếm trên 82 % cơ cấu giống lạc của các huyện trong tỉnh. Ngoài ra, để nâng cao năng suất lạc và giảm thiệt hại do sâu bệnh, các huyện cũng chỉ đạo người dân đẩy mạnh thâm canh và thực hiện gieo trồng lạc, đậu tương theo tiêu chí "5 cùng" (cùng giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch). Vì vậy, năng suất lạc, đậu tương của Hà Giang cũng không ngừng được nâng lên.
Đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Trong những năm qua, do biến đổi khí hậu nên nguồn nước tưới cho cây lúa không đảm bảo. Để phát triển và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Quang Bình đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trong huyện chỉ đạo người dân chuyển đổi các diện tích lúa không chủ động tưới tiêu sang trồng các loại cây trồng cạn như lạc, đậu tương, các loại rau mùa…Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện không những khắc phục những bất lợi của biến đổi khí hậu mà còn duy trì và nâng cao thu nhập cho người nông dân trên đơn vị diện tích.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, chất lượng sản phẩm cây lạc và đậu tương của Hà Giang chưa cao, sản phẩm chưa đồng đều, đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm chưa thật sự ổn định, giá cả còn thấp, chưa hình thành mối liên kết trong việc tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất cây lạc, đậu tương còn nhiều hạn chế, nguồn giống và chất lượng giống chưa đáp ứng các yêu cầu của sản xuất lạc, đậu tương theo hướng hàng hóa.
Nhằm đẩy mạnh phát triển và mở rộng diện tích cây lạc và đậu tương theo hướng hàng hóa, vừa qua, Ngành Nông nghiệp của Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến để hoàn thiện báo cáo về Kế hoạch chiến lược đầu tư chuỗi giá trị cây lạc và đậu tương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 – 2025, để trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tập trung vào những giải pháp hỗ trợ và đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với người nông dân; các giải pháp về nguồn vốn, liên kết sản xuất và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm; đề xuất các giải pháp nhằm hình thành các Tổ hợp tác, các HTX, doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm lạc và đậu tương ngay trên địa bàn tỉnh; đầu tư quy hoạch vùng sản xuất lạc và đậu tương giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; xúc tiến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông đối với các vùng chuyên canh sản xuất lạc và đậu tương của tỉnh...