Những bao tải đựng thức ăn cho động vật bốc mùi nồng nồng nằm chất đống trên hành lang của Cyagen Bioscatics Inc., trung tâm chuột thí nghiệm ở miền nam Trung Quốc. Người ta đang tối đa hóa không gian cho loài gặm nhấm này bởi những con chuột được biến đổi gen có giá lên tới 17.000 USD/cặp, một con số khổng lồ.
Trung Quốc đang có nhu cầu tăng vọt với các loại chuột mẫu mang trong mình loại gen được biến đổi có thể chống chọi với những căn bệnh nan y trên người. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng muốn thúc đẩy để Trung Quốc trở thành một cường quốc trong lĩnh vực Y sinh học vào năm 2025. Đây là nguyên nhân khiến Trung Quốc đang đi rất sâu vào việc nghiên cứu các loại thuốc và công nghệ di truyền.
Mục tiêu phát triển của Trung Quốc giúp thúc đẩy một thị trường toàn cầu với các loại chuột biến đổi gen được dùng làm thí nghiệm. Theo dự đoán, thị trường này sẽ mở rộng ở mức 7,5% mỗi năm và chạm mốc 1,59 tỷ USD vào năm 2022.
Sự nổi lên của những phòng thí nghiệm chuột
Cyagen đang nuôi khoảng 10.500 con chuột tại các cơ sở khác nhau ở ngoại ô Quảng Châu. Doanh nghiệp này cũng được phép biến đổi một nhà máy may mặc cũ ở Thượng Hải thành nơi nuôi dưỡng 100.000 con chuột phục vụ thí nghiệm. Số chuột này đáp ứng đủ nhu cầu của các trường đại học, cơ sở nghiên cứu hay các công ty dược phẩm. Chúng có thể được dùng từ nghiên cứu khoa học cơ bản đến các dự án phát triển thuốc phức tạp.
“Bất cứ thời điểm nào, chúng tôi cũng có 1.000 dự án đang được triển khai”, ông Lance Han, 52 tuổi, người sáng lập kiêm Chủ tịch Cyangen, cho biết. Những con chuột đắt giá nhất là loại chuột thuần hóa với một số gen bị thiếu hoặc bị biến đổi để có thể trở thành mẫu thí nghiệm nhằm thử nghiệm thuốc điều trị các bệnh từ tiểu đường đến ung thư tiền liệt tuyến.
Các phòng thí nghiệm như Cyangen là những viên gạch nối quan trọng trong tham vọng thách thức các tập đoàn công nghệ y sinh đa quốc gia của Trung Quốc. Những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đều nhận được rất nhiều tiền khi các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng của họ.
Tầm quan trọng của chuột
Để phát triển các loại thuốc mới, các công ty thường thử nghiệm chúng trên động vật trước khi có thể thử nghiệm trên người. Đó là lý do khiến Cyangen được một công ty Mỹ mời hợp tác vào tháng 7 năm ngoái với nhiệm vụ cung cấp chuột thí nghiệm cho các nhà nghiên cứu ở Mỹ.
Charles River Laboratories International Inc. hiện là nhà cung cấp động vật thí nghiệm lớn nhất thế giới, đã mua 75% cổ phần của Cyangen với giá 27 triệu USD vào năm 2013. Hiện tại, công ty này có 650 nhân viên tại Trung Quốc, vận hành 5 cơ sở nuôi chuột lấy mẫu ở Bắc Kinh và Thượng Hải với tổng diện tích 23.226 m2. Họ có kế hoạch mở rộng 36% ở miền nam và miền trung Trung Quốc trong năm nay.
“Thị trường tăng trưởng lớn nhất của chúng tôi vẫn là ở Trung Quốc”, ông James C. Foster, Chủ tịch của Charles Rives, chia sẻ với các nhà đầu tư trong một hội nghị ở Orlando hôm 5/3. Nhu cầu của Trung Quốc giúp lợi nhuận ròng của công ty tăng 11% lên 232,5 triệu USD vào năm ngoái với doanh thu 2,3 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Cổ phiếu của công ty cũng đã tăng 28% trong quý đầu tiên. Công ty này đang tìm kiếm một địa điểm khác ở Trung Quốc để có thể cung cấp chuột thí nghiệm hàng ngày cho các cơ sở nghiên cứu.
Hoạt động kinh doanh của Charles River ở Trung Quốc sẽ làm lu mờ chính hoạt động của nó ở châu Âu trong vòng 5 năm, biến nó trở thành thị trường tốt nhất ngoài Mỹ. Charles River gặp thuận lợi ở Trung Quốc vì họ có nhiều dư địa để phát triển với một nhu cầu vô cùng lớn.
Tranh cãi về đạo lý
Việc tiến hành các thí nghiệm biến đổi gen trên chuột để giúp chúng ngăn chặn ung thư hoặc các bệnh nan y đang được các nhà nghiên cứu thực hiện nhiều ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng chính tại đất nước này, một nhà nghiên cứu đã bất chấp các quy định, thực hiện điều chỉnh gen trên người. Hành động này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng y sinh thế giới.
Trong vai trò giáo sư một trường đại học ở Thâm Quyến, He Jiankui đã khiến thế giới rúng động hồi tháng 11/2018 khi tiết lộ ông tiến hành thay đổi ADN của một cặp song sinh nữ để giúp họ chống được lây nhiễm HIV. He đã bị cách chức và đang bị chính phủ Trung Quốc điều tra. Công nghệ mà người đàn ông này dùng đang được nhiều phòng thí nghiệp sử dụng để chỉnh sửa gen trên chuột thí nghiệm.
Những quy định khá thuận lợi ở Trung Quốc khiến quốc gia này trở thành nơi thu hút đông đảo các chuyên gia y sinh hàng đầu thế giới. Họ có thể tới Trung Quốc để dễ dàng hiện thực hóa các công trình nghiên cứu thay vì gặp hàng loạt rào cản nếu tiến hành ở châu Âu hoặc châu Mỹ. Ngoài ra, khả năng của Trung Quốc trong lĩnh vực này cũng được nâng cao nhanh chóng.
Sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu cũng góp phần đẩy nhanh quá trình tăng tốc trong lĩnh vực y sinh Trung Quốc. Nó là động lực quan trọng để Bắc Kinh có thể sớm đạt được tham vọng mà nước này theo đuổi và có đủ tiềm năng để chống lại các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Lo ngại rủi ro
Không thể phủ nhận quá trình bùng nổ trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh và dược phẩm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến những rủi ro về sở hữu trí tuệ, nhất là khi Trung Quốc chịu nhiều cáo buộc về việc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty trên toàn thế giới.
Năm 2017, Jackson Lab đã đệ đơn kiện Đại học Nam Kinh và một số cơ sở của trường này vì cho rằng đối tác Trung Quốc đã bán những con chuột nghiên cứu có nguồn gốc từ Jackson, điều vi phạm hợp đồng. Hai bên đã ra tòa Trọng tài để chờ phán xử. Jackson Lab cũng đã hủy bỏ quan hệ hợp tác với Đại học Y Ôn Châu, nơi được có 50 đến 70 nhân viên làm việc trong 6 phòng thí nghiệm của nhóm.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc có một thứ mà các phòng thí nghiệm không thể bỏ qua đó là giá thành rẻ. chi phí nuôi chuột thí nghiệm tại Trung Quốc thấp hơn 20-30% so với những con cùng loại được lai tạo ở Mỹ. Nó đồng nghĩa với những khoản lợi nhuận lớn.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg