Trồng lá vằng mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân một số xã trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị). |
Hội ND huyện Cam Lộ đã tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương rà soát, đánh giá các vùng đang sản xuất kém hiệu quả, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn; gắn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới.
Hội còn thực hiện hiệu quả mô hình trồng lạc mật độ dày để nâng cao năng suất; đồng thời phát huy hiệu quả ngô vụ thu-đông gắn với chế biến thức ăn chăn nuôi bò trong mùa rét nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất và thu nhập…
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn như trồng 77ha dứa gắn với bao tiêu đầu ra; hỗ trợ giống, phân bón, bạt phủ... tại 16 tổ hợp tác; xây dựng 13ha lúa hữu cơ Ong biển, cung ứng đầu vào giống phân bón, bao tiêu đầu ra ở Cam An; xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn xây dựng thương hiệu gạo sạch Cam Lộ được sản xuất tại Cam An 13,4ha, 13,6ha tại Cam Thanh theo chương trình WB7; chuyển đổi giống mới xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với cung ứng làng bún Cẩm Thạch 10,5ha lúa giống TBR-1…
Các hoạt động hỗ trợ, tham gia hướng dẫn của Hội ND huyện nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu gà Cùa, bún Cẩm Thạch, gạo an toàn Cam Lộ...
Về sản xuất lúa, Hội ND huyện đã vận động nông dân sản xuất 2.600-2.800ha diện tích lúa cả năm, trong đó 1.300ha lúa 2 vụ; sử dụng 100% giống xác nhận và một số giống chất lượng cao; tập trung dồn điền, đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ phục vụ nhu cầu thị trường; thực hiện chế biến gạo sạch ở vùng trọng điểm lúa, thực hiện liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua các HTX.
Hội tham gia thực hiện có hiệu quả quy trình trồng xen, ứng dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp vào sản xuất, đưa giống lạc chùm Cam Lộ vào sản xuất ở các vùng bãi bồi ven sông Hiếu và một số vùng khác chưa có hệ thống tưới…
Về cây công nghiệp, Hội ND các cấp huyện Cam Lộ đã vận động nông dân duy trì 3.500ha cao su tiểu điền; thực hiện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khai thác hợp lý...
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tham gia nhân rộng các kết quả, giải pháp kỹ thuật của đề án “Thí điểm mô hình phục hồi và phát triển vườn tiêu” theo hướng an toàn sinh học, phục vụ cho dự án chỉ dẫn địa lý cây hồ tiêu Quảng Trị; phối hợp khảo sát, tham mưu việc quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, ổn định cho làng nghề nấu cao dược liệu và thương hiệu cao chè vằng; vận động thực hiện phát triển thêm một số cây dược liệu khác như cà gai leo, hà thủ ô, nghệ… theo hướng an toàn sinh học.
Về chăn nuôi, các cấp Hội ND huyện Cam Lộ đã vận động nông dân tiếp tục thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng, số lượng đàn bò lai có năng suất như các giống bò nhóm zebu, tạo ra các giống bò thương phẩm chuyên thịt chất lượng cao. Vận động phát triển các vùng chăn nuôi bò nái sinh sản thâm canh; phát triển theo hình thức gia trại, nông hộ nuôi nhốt, bán thâm canh, thâm canh; chăn nuôi bò thịt khép kín nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định, kết nối thị trường tiêu thụ...
Hội ND huyện đã triển khai vận động hội viên nông dân chuyển đổi 157ha đất trồng lúa thiếu nước và đất trồng lúa kém hiệu quả gắn với đầu tư hệ thống tiêu, thoát úng.
Theo: http://www.hoinongdan.org.vn