Trông chờ thị trường nội địa

Thứ sáu, 13/03/2020 - 02:31 PM      546

Dịch bệnh do COVID-19 đang khiến thương mại thế giới chậm lại, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Không thể đưa sản phẩm ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước.

Cơ hội sau cuộc “giải cứu”

Thời điểm giữa năm ngoái, chỉ một động thái thay đổi hình thức quản lý của phía Trung Quốc, nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam lao đao mất giá, tồn đọng hàng hóa, như rớt giá của tôm hùm Khánh Hòa, hàng nghìn tấn mực khô, cá khô tại Quảng Nam, Quảng Trị ứ đọng… Câu chuyện vẫn chưa hết nóng thì vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc cấm biên, ngay lập tức nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam lại bị dội chợ. Container hàng nối đuôi nhau tại cửa khẩu Tân Thanh vì không được thông quan, nếu có thì cũng rất ì ạch, nông dân không thể thu hoạch vì ế ẩm… Người dân cả nước lại được hô hào chung tay “giải cứu” thanh long, dưa hấu rồi cả tôm hùm.

Câu chuyện hàng nông, thủy sản của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không còn mới. Cho dù thế nào, đất nước tỷ dân này vẫn là thị trường quan trọng của nhiều mặt hàng nông nghiệp Việt Nam. Thế nên, chỉ cần một cái “trở mình” nhẹ từ Trung Quốc, hàng loạt sản phẩm điêu đứng và mất giá. Câu chuyện không mới, thế nhưng, cái đáng nói là sau rất nhiều năm, lời giải đáp vẫn bỏ ngỏ.

Ảnh minh họa

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính, nông nghiệp là một lĩnh vực kinh tế rất biến động và rủi ro, bởi ngành nông nghiệp không những chỉ dựa vào nguồn tiêu thụ nội địa mà dựa vào tiêu thụ quốc tế, xuất khẩu chiếm một tỷ trọng rất lớn trong GDP. Đây là điều làm cho nông nghiệp phụ thuộc lớn vào biến động thị trường. Dịch COVID-19 như hiện nay đã khiến cho nông nghiệp rơi vào tình hình khủng hoảng bất ngờ, tác động đến thị trường.

“Kế hoạch về nông nghiệp còn thiếu sót nhiều, đến lúc được mùa thì thị trường lại mất giá. Rồi có lúc thị trường cần hàng thì lại tăng giá. Tôi cho rằng, cần phải kiểm tra, suy xét lại kế hoạch phát triển nông nghiệp của Việt Nam, phải đi cùng với chính sách nhập khẩu, tiền tệ, tài khóa… Tất cả những điều này phải được liên kết với nhau để có một cơ chế phù hợp với người nông dân”, ông Hiếu nhấn mạnh.

 

Thị trường nội địa cần được coi trọng

Tiêu thụ nội địa không thể so với nhập khẩu, nhưng cũng sẽ chiếm được một lượng hàng không nhỏ. Quan trọng hơn, tạo được kênh tiêu thụ nội địa nhất định cũng sẽ không đến nỗi khiến cho hàng hóa tại các địa phương bị ùn ứ mỗi lần thị trường xuất khẩu gặp vấn đề, dẫn đến những cuộc “giải cứu” quy mô lớn diễn ra hàng năm.

Chưa kể, những cuộc giải cứu này cũng khiến chuyên gia lo lắng còn người mua hàng đôi khi có những lăn tăn. Rằng họ đang “giải cứu” ai, bởi trong chuỗi cung ứng của thị trường hiện nay, người làm nhiều nhưng nhận lại ít nhất! Và xa hơn, tại sao thị trường nội địa không được chú trọng đầu tư thành một kênh tiêu thụ mà lại chỉ là điểm đến khi “bán đi chẳng được”? Và như chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không khéo việc giải cứu đi giải cứu lại vô tình biến “một căn bệnh cấp tính thành mãn tính”.

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, là do sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ dễ dẫn đến rủi ro, đồng thời mong muốn các hộ sản xuất này liên kết lại theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng nhấn mạnh, chuyện nhân rộng mô hình hay chấm dứt việc giải cứu nông sản không phải một sớm một chiều. Điều này còn phụ thuộc vào cả quá trình đi lên của xã hội

Hiện nay, lượng nông sản nước ta cung vượt cầu trong nước nhưng giá cả không thấp chút nào. Chỉ đến khi xuất khẩu chậm lại hoặc không được thì giá cả mới hạ xuống để tiêu thụ hàng hóa tồn đọng. Thế nhưng, chỉ cần tình thế đỡ cẳng thẳng thì lập tức giá cả lại tăng cao, như tình hình “giải cứu” thanh long hay tôm hùm thời gian qua. Điều này cho thấy sự điều tiết thị trường vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo giá cả không tăng giảm thất thường và hàng hóa phân bố đều, không còn tình trạng nơi ùn ứ, nơi ngóng chờ để “giải cứu”.

Với mặt hàng thủy sản, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa vì tiềm năng rộng. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa mỗi năm lên đến hơn 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Giá trị này cao không kém so với những thị trường truyền thống lớn của thủy sản nước ta bấy lâu nay. Thế nhưng, những doanh nghiệp phát triển nội địa đa phần không phải lớn và mạnh!

>> Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2020, ngành cá tra sẽ thúc đẩy nhiều hơn vào thị trường trong nước. Mục tiêu của ngành là thị trường nội địa sẽ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng, cân đối hơn so việc nay cá tra còn đang phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.

Theo: Thủy Sản Việt Nam

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch
Thứ hai, 16/09/2024 - 09:10 AM
147
Châu Á: Phục hưng ngành tôm
Thứ năm, 29/08/2024 - 04:30 PM
309
Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Thứ sáu, 26/07/2024 - 08:15 AM
313
Tin xem nhiều