Ông Đỗ Trưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh cho biết, mùa khô này, mặn xuất hiện sớm hơn khoảng 2 tháng so với đợt thiên tai hạn mặn năm 2015-2016.
Từ tháng 12/2019, tại phía Cổ Chiên và sông Hậu, ranh giới mặn đã lên đến hơn 4‰ và chiều dài ảnh hưởng sâu từ 60-70 km.
Toàn tỉnh có 48 cống điều tiết nước nhưng hiện nay 42 cống buộc phải đóng triệt để ngăn mặn, chỉ còn 6 cống có thể theo dõi quan trắc khi độ mặn xuống mức cho phép mới có thể lấy nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó, 4 cống lấy nước từ sông Hậu, gồm: Tân Dinh, Bông Bót, Mỹ Văn, Rùm Sóc và 2 cống lấy nước từ sông Tiền là Cái Hóp và Láng Thé.
Do thời điểm này chỉ mới vào vụ Đông Xuân nên nguy cơ thiếu nước tưới toàn tỉnh trong mùa khô này rất lớn, nhất là những diện tích sản xuất lúa.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho rằng, hàng năm, tháng 12 mặn mới xuất hiện nhưng năm nay, trung tuần tháng 11 mặn đã xuất hiện trên địa bàn huyện. Mặn xuất hiện sớm, cao và đi sâu vào nội đồng.
Đến nay, 7/7 cống điều tiết nước của huyện phải đóng triệt để ngăn mặn, do mặn thường xuyên ở mức từ 3-10‰. Nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Trà Cú hiện nay phải nhận tiếp nước từ huyện Cầu Kè, với dung lượng “nhỏ giọt”. Do vậy, huyện đã khuyến cáo người dân tạm ngưng sản xuất vụ lúa Đông Xuân để tránh thiệt hại.
Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch xuống giống 66.000 ha. Nhưng trước nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về tình hình hạn, mặn mùa khô này, ngày 12/12/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã khuyến cáo nông dân trong tỉnh ngưng triệt để xuống giống lúa vụ Đông Xuân.
Tuy nhiên, nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo, đến nay đã xuống giống hơn 50.000 ha. Do vậy, hạn, mặn đang “đe dọa” nhiều diện tích sản xuất của nông dân trong tỉnh.
Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đối với diện tích đã xuống giống, để hạn chế rủi ro trong sản xuất, nông dân cần tập trung máy bơm, đắp đập, bơm chuyền tích trữ nước đảm bảo cung cấp lượng nước ngọt tưới cho đến lúc “lúa ngậm sữa”.
Lúa vào giai đoạn cuối cũng phải đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt, tối thiểu 1.000m3 nước ngọt/ha từ giai đoạn trổ đến chín. Trường hợp diện tích sản xuất bị ảnh hưởng hạn, mặn, người dân phải có giải pháp tưới tiết kiệm nước ngập khô xen kẽ, chủ động cung cấp nước cho lúa vào giai đoạn mới gieo sạ và đòng trổ; nếu không đủ nguồn nước ngọt để tưới có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 1‰ đối với giai đoạn mạ và trổ, dưới 2‰ đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh) hoặc dùng nước ngọt để tưới phun lá, tăng cường bón phân hữu cơ, vôi bột, lân nung chảy, sử dụng phân bón có chứa canxi, magie, silic để tăng cường sức chống chịu cho cây lúa.
Riêng đối với các diện tích ngưng xuống giống lúa vụ này, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi hạn, mặn và dễ tìm thị trường tiêu thụ. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch bố trí lại mùa vụ sản xuất thích hợp cụ thể cho từng huyện với từng tiểu vùng sinh thái để né mặn.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu nhắm ứng phó hạn, mặn mùa khô 2019-2020, bảo vệ diện tích sản xuất của nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Trà Vinh, 2 cống ngăn mặn, trữ ngọt là Tân Dinh và Bông Bót (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) dự kiến trong tháng này sẽ đưa vào vận hành, rút ngắn thời gian thi công khoảng 7 tháng so với kế hoạch. Khi đưa vào sử dụng sẽ giúp địa phương chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, bảo vệ diện tích sản xuất hàng chục nghìn ha của người dân trên địa bàn tỉnh./.
Theo: http://www.khuyennongvn.gov.vn