Vụ tôm nước lợ năm 2025, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt thả nuôi 51.000 ha, tổng sản lượng tôm nuôi là 223.000 tấn. Đến hết quý I/2025, toàn tỉnh đã thả được hơn 5.100/51.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ theo kế hoạch, sản lượng tôm nuôi đã thu hoạch đạt 10.157 tấn, tôm thiệt hại chiếm 0,8% diện tích thả nuôi. Hiện, diện tích nuôi tôm tại tỉnh đã và đang được hộ dân tiếp tục thả nuôi cho đến cuối tháng 9/2025.

Cần điều chỉnh các yếu tố môi trường ổn định, tối ưu cho tôm nuôi (Ảnh minh họa). Ảnh: Tép bạc
Hiện, đang vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ thường cao vào ban ngày và giảm thấp vào ban đêm, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, dẫn đến môi trường ao nuôi tôm bị biến động, tôm dễ mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, EHP, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Vì vậy, để đảm bảo vụ nuôi tôm nước lợ thành công, đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng như hiện tại, ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra các khuyến cáo đến hộ nuôi tôm.
Theo đó, người dân cần cải tạo ao thật kỹ và diệt bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh (tép, cá tạp, hến, còng, ốc đinh, các loại giáp xác) trước khi lấy nước vào ao nuôi. Nếu có điều kiện, người nuôi nên dành một phần diện tích để thiết kế ao nuôi theo mô hình ương nuôi nhiều giai đoạn, có tuần hoàn nước/lót bạt có hố xi phông đáy ao, để quản lý tốt hơn về môi trường và chủ động được nguồn nước, kiểm soát tốt sức khỏe tôm nuôi.
Lựa chọn con giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc, cơ sở rõ ràng, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, con giống có giấy kiểm dịch và phải xét nghiệm sạch bệnh ít nhất 3 loại bệnh là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và EHP.
Thả tôm sú có kích cỡ từ post 15 và tôm thẻ chân trắng từ post 12 trở lên, tôm đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, lội ngược dòng, phản xạ tốt với tiếng động, gan tụy và ruột sậm màu, tỷ lệ dị hình dưới 0,5%. Người nuôi cần lưu ý, vào đầu vụ, chỉ nên thả thăm dò, rải vụ một phần diện tích, nếu con giống tốt, môi trường, thời tiết thuận lợi thì tiếp tục thả tiếp. Cần bố trí thêm ao ương tôm giai đoạn đầu khoảng 100 – 200 m2 và ương tôm từ 15 – 30 ngày để thả tôm giống size lớn. Nên thả tôm với mật độ vừa phải để giảm rủi ro, quản lý môi trường tốt hơn, tôm mau lớn.
Vào thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ nước > 33°C nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 – 50% lượng thức ăn; đồng thời tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa, axit hữu cơ để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi cho đến khi thời tiết, môi trường ao nuôi ổn định thì tăng từ từ lượng thức ăn trở lại. Nên cho tôm ăn từ vừa thiếu đến vừa đủ và chia thành nhiều cữ trong ngày, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trong nước luôn ≥ 5 mg/lit để đảm bảo ôxy cho tôm nuôi và hệ vi sinh vật hiếu khí có lợi phát triển trong ao tôm.
Thường xuyên bổ sung vôi, khoáng chất, đặc biệt là Canxi, Magie, Kali cho tôm, nhất là các ao độ mặn thấp để phòng ngừa bệnh cong thân đục cơ – mềm vỏ, tăng sức đề kháng cho tôm.
Khi phát hiện tôm nuôi có các dấu hiệu như: Còi cọc, ăn yếu, chậm lớn, lệch size nhiều, thịt tôm bị trắng đục,… phải báo ngay với cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn