Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 18.661 ha tôm nuôi bị bệnh, chết; trong đó có 49,82 ha tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh (bệnh đốm trắng 21,09 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp 9,28 ha và chưa xác định được tác nhân gây bệnh 19,45 ha) và 18.611 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, mức độ thiệt hại từ 35 – 75%.
Tỉnh Cà Mau đề nghị các đơn vị giám sát chủ động dịch bệnh để đưa ra dự báo, cảnh báo cho người nuôi. Ảnh: ST
Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng, chống bệnh trên thủy sản nuôi, đặc biệt là tôm, cua nuôi, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất và thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp khi thủy sản nuôi bị chết, không ảnh hưởng đến môi trường.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc môi trường, giám sát chủ động dịch bệnh để đưa ra dự báo, cảnh báo cho người nuôi; khuyến cáo người nuôi mua giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y; thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu vực nuôi, xử lý triệt để mầm bệnh đối với nguồn nước cấp và xả thải; không thả nuôi mới vào thời điểm có bệnh và thả nuôi nhiều đối tượng trong một ao nuôi, tại vùng có dịch bệnh; áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật nuôi an toàn dịch bệnh và theo lịch thời vụ.
Cùng đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh, kiểm dịch giống thủy sản, mua bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Chỉ đạo cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, quy trình phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi cho người dân, nhất là tôm, cua nuôi và tham mưu cấp ủy, chính quyền cấp xã chỉ đạo sản xuất phù hợp với lịch thời vụ và đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành phố Cà Mau chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát, phát hiện, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi và tuân thủ khuyến cáo lịch thời vụ thả nuôi của cơ quan chức năng; kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo trong trường hợp diễn biến phức tạp, không để lây lan trên diện rộng. Rà soát, tổng hợp các trường hợp đảm bảo điều kiện hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, để kịp thời thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ theo quy định.