Truy tìm nguyên nhân
Chuyện mùa hạn năm nay sẽ gay gắt, thật ra chúng ta đã biết từ tháng 7 năm trước, khi mực nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục trong hơn nửa thế kỷ, ngay đầu mùa nước.
Như một quy luật, ở ĐBSCL, có thể quan sát mùa nước nổi năm trước từ tháng 7 đến tháng 10, để tiên liệu tình hình hạn mặn sau Tết. Nguyên nhân chính là do từ đầu năm đến tháng 9/2019, có hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong làm cho lượng mưa thấp nên mực nước sông Mekong hạ kỷ lục ngay trong mùa lũ. Về ảnh hưởng của thủy điện Mekong, thủy điện khác với thủy nông ở chỗ thủy điện không làm mất đi tổng lượng nước mà chỉ tích rồi xả để phát điện. Bản thân thủy điện không tự gây ra thiếu nước, nhưng khi gặp tình huống mưa ít thì việc tích xả của chuỗi đập thủy điện sẽ làm chậm đường đi của nước, làm tình hình càng gay gắt hơn.
Chuyện hạn, mặn của ĐBSCL bây giờ cũng một phần vì hệ thống tự nhiên của đồng bằng đã bị thay đổi. Các ô đê bao khép kín khắp nơi chiếm không gian hấp thu lũ, nước lũ ít vào được ruộng, vườn nên tăng ngập các thành phố và chảy thẳng ra biển trong mùa nước. Đến mùa khô khi dòng Mekong yếu thì bản thân ĐBSCL đã không còn nhiều nước, nên mặn lấn sâu hơn.
Tổn thương nhất vùng ngọt hóa!
Đối với các năm cực đoan khô hạn như năm nay, sự thiệt hại sẽ tùy từng vùng, vì mỗi vùng có những đặc điểm riêng. Cụ thể, ĐBSCL có vùng lõi là “vùng phủ sóng” của hệ thống sông Cửu Long, gồm vùng kẹp giữa sông Tiền, sông Hậu, và hành lang hai bên hai nhánh sông này. Vùng lõi này có nước ngọt quanh năm. Dù năm nay ít nước, vùng này sẽ ít thiệt hại. Cũng trong vùng hành lang nước ngọt này thì từ khoảng Quốc lộ 1 ra hướng biển sẽ bị mặn bao vây, mặn sẽ thọc sâu nhất theo các cửa sông vào những ngày Nước rong (triều cao trong tháng) xung quanh ngày rằm và ba mươi âm lịch hàng tháng và vào những giờ Nước lớn (triều cao trong ngày). Trong những ngày Nước kém (triều thấp trong tháng) và vào những giờ Nước ròng (triều thấp trong ngày), nước biển rút lui thì độ mặn sẽ giảm. Vùng Bán đảo Cà Mau, gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, một phần Hậu Giang nhận ít hoặc không nhận nước từ hệ thống sông ngòi Cửu Long là vùng mặn - ngọt luân phiên theo mùa. Vùng này có 6 tháng ngọt nhờ nước mưa và 6 tháng mặn trong mùa khô. Năm nay mưa ít, mùa ngọt của vùng này sẽ kết thúc sớm hơn. Vùng ven biển phía Đông, ranh giới mặn - ngọt là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển. Vào mùa khô, vùng này có một vùng nước mặn - lợ bình thường hàng năm. Năm nay, vùng này sẽ sâu bất thường hơn, mặn lấn sâu hơn vào vùng ngọt.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, những vùng ngọt hóa, tức là những vùng “cơi nới”, ngọt hóa một cách nhân tạo bằng công trình thì năm nay sẽ dễ bị tổn thương nhất vì hệ thống canh tác ở đây không còn luân phiên mặn - ngọt theo mùa và vì năm nay không đủ nước duy trì ngọt vào mùa khô nên sẽ quay lại bản chất mặn cố hữu trong mùa khô, đặc biệt là vào đỉnh điểm mùa khô cuối tháng 3 đầu tháng 4.
Cách nào ứng phó?
Trước hết, cần phân biệt năm cực đoan với tình hình chung và không nên vội vã “bi đát hóa” cho rằng ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nguồn nước và đây là tình chung trong tương lai rồi hốt hoảng, từ đó lấy những năm cực đoan như năm nay và năm 2016 làm chuẩn cho chiến lược lâu dài. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những sự kiện cực đoan sẽ diễn ra với tần suất cao hơn, nhưng dù sao những năm cực đoan cũng không phải là tình hình chung cho tất cả các năm.
Cách ứng phó tốt nhất cho năm cực đoan là né thời vụ để tránh thiệt hại. Thực tế, hạn mặn mùa khô có thể dự báo trước đó 6 tháng, không phải bất ngờ. Đối với những vùng mà bản chất là mặn như vùng Bán đảo Cà Mau và vùng “cơi nới” đã nói ở trên thì việc trữ ngọt chỉ có thể kéo dài thời gian ngọt một thời gian nhưng đến đỉnh điểm mùa khô sẽ vẫn mặn vì lớp nước ngọt đã hết. Đối với các vùng này, đến đỉnh điểm mùa khô, việc ngăn mặn từ biển vào sẽ ít tác dụng vì bên trong không còn nước ngọt và đất bên dưới là đất mặn.
Năm nay, dù hạn mặn có thể gay gắt hơn, nhưng nhờ kinh nghiệm của 2016, người dân đã có tiên liệu và ngành nông nghiệp đã cảnh báo sớm, khuyến cáo né vụ, nên dù vẫn có thiệt hại nhưng đã giảm được rất nhiều.
Tìm hướng đi lâu dài
Trong bối cảnh này, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài cho ĐBSCL. Chiến lược đó cần được bổ sung dự phòng tình huống những năm cực đoan như năm 2016 và năm nay.
Chìa khóa trung tâm của vấn đề ĐBSCL là thay đổi, chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang tập trung vào chất lượng. Số lượng ít hơn nhưng sạch hơn, giá trị cao hơn, đa dạng hơn. Chúng ta đã thoát đói từ lâu, nay muốn làm giàu thì cách làm phải khác hồi thời thiếu lương thực. Nếu chỉ miệt mài tăng sản lượng sản phẩm thô, giá rẻ thì không thể tiến xa được.
Nghị quyết 120 cũng xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu cây trồng khác, rồi mới tới lúa. Không cần thâm canh ba vụ ĐBSCL vẫn dư sức đảm bảo lượng lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia, nhưng ưu tiên số một bây giờ không phải là làm ra thật nhiều lúa giá rẻ, mà tập trung vào chất lượng, thu nhập. Nghị quyết 120 cũng chỉ rõ cần xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không chỉ là nước ngọt phục vụ tối đa hóa lượng lúa như trước đây.
Cụ thể về lâu dài, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn, để có thể hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa và tôm cá vào ruộng đồng để cải thiện đất đai và tăng lượng nước để cân bằng mặn - ngọt trong mùa khô. Với vùng ven biển thì nên chuyển dần sang canh tác theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên.
Gần đây, khuynh hướng mới đã xuất hiện ở ĐBSCL. Sau một thời gian dài thâm canh ba vụ, người dân đã bắt đầu bỏ lúa vụ ba. Các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An cũng đã mở vài chục nghìn ha để đón lũ vào đồng. Khuynh hướng giảm thâm canh sẽ là tất yếu, do tình hình giá lúa gạo, nhu cầu thị trường thay đổi và do canh tác thâm canh liên tục nhiều năm làm đất đai cạn kiệt, chi phí tăng nhanh, không bền vững. Ở vùng mặn, một số tỉnh cũng đã có chủ trương chuyển đổi theo hướng thích nghi mặn. Người dân cũng đã có những mô hình lý thú, thành công rất bất ngờ.
Hiểu và thuận theo quy luật tự nhiên thì chúng ta đỡ tốn sức, loay hoay chống lũ, chống hạn-mặn, những thứ lẽ ra là cơ hội.
Theo:thuysanvietnam.com.vn