Phòng Bệnh Ký Sinh Trùng Trên Tôm

Thứ hai, 04/12/2023 - 01:45 PM      430

Phòng bệnh ký sinh trùng trên tôm
(TSVN) – Ký sinh trùng là một trong những tác nhân gây bệnh trên tôm. Bệnh ký sinh trùng khiến tôm chậm lớn, năng suất thấp, và thậm chí gây chết. Đồng thời, chúng còn mở đường cho các tác nhân virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh.

 

Bệnh vi bào tử trùng

Tác nhân gây bệnh được xác định là do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). Khi nhiễm vi bào tử trùng nhiều phần trên cơ thể tôm chuyển sang màu trắng đục hoặc trắng sữa. Dấu hiệu này càng trở nên rõ hơn khi tôm lớn, đặc biệt ở phần lưng từ gan tụy đến phần giữa thân. Một số con có hiện tượng đục cơ đốt cuối cơ thể. Bệnh không gây tỷ lệ chết cao tuy nhiên vi bào tử trùng ảnh hưởng đến một số cơ quan khác như gan tụy và buồng trứng. Tôm nhiễm vi bào tử trùng thường có khả năng đề kháng kém và khả năng chống chịu stress kém vì vậy chúng dễ dàng bị ăn thịt, chậm lớn và dễ tủ vong trong quá trình vận chuyển.

Vi bào tử trùng không chỉ xuất hiện trên tôm mà nó có mặt trên nhiều đối tượng khác như giáp xác, côn trùng… Vì vậy, việc sử sụng thức ăn tươi sống trong nuôi tôm là nguy cơ dẫn đến rủi ro lây nhiễm vi bào tử trùng sang tôm nuôi. Ngoài ra vi bào tử trùng còn có thể lây nhiễm thông qua phân của tôm nhiễm bệnh hoặc do hiện tượng ăn thịt lẫn nhau khi có tôm nhiễm vi bào tử trùng xuất hiện trong ao nuôi.

Bệnh ký sinh trùng trên gan tụy

Haplosporidian infections, Hepatopancreatic haplosporidiosis là nhóm ký sinh trùng gây bệnh trên gan tụy tôm. Khi tôm bị loại ký sinh này xâm nhập sẽ có các triệu chứng như gan tụy co lại, màu sắc cơ thể nhợt nhạt, sắc tố melanin ở tế bào biểu bì đi kèm với tôm chậm tăng trưởng.

Bệnh phân trắng

Ký sinh trùng Vermifrom và Gregarine cũng được xem là 2 trong những nguyên nhân gây bệnh phân trắng. Ký sinh trùng Gregarine hay còn được gọi là ký sinh trùng hai roi là loại thường xuất hiện trong đường ruột của tôm bị phân trắng khi kiểm tra bằng kính hiển vi. Phân trắng là bệnh khá phổ biến ở tôm và thường xuất hiện từ ngày nuôi thứ 40 trở đi. Dấu hiệu nhận biết tôm bị nhiễm Gregarine là tôm bị phân trắng xuất hiện các sợi phân trắng nổi trên mặt nước ao nuôi. Tôm bị mềm vỏ, chậm lớn, màu sậm bất thường. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ống ruột tôm bị đứt quãng hoặc trống rỗng. Tôm bệnh phân trắng không chết hàng loạt, tuy nhiên sẽ gây nhiều ảnh hưởng về năng suất tôm thu hoạch.

Vệ sinh, chà rửa bạt đáy ao để loại bỏ lớp cặn bẩn và mầm bệnh. Ảnh: CTV

Vermifrom không phải là sinh vật, không phải là giun sán trong gan tụy hay đường ruột mà là biểu hiện của các tế bào biểu mô gan tụy bị hoại tử bong tróc, một dạng bệnh lý tổn thương gan tụy. Vermifrom xuất hiện làm giảm tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, đồng thời nhiễm bệnh cơ hội khác, nếu bị nặng có thể gây phân trắng.

Bệnh ngoại ký sinh trùng

Các loài gây bệnh gồm Epistylis, Zoothamnium, Tokophrya, Acineta, Vorticella. Chúng là ký sinh trùng đơn bào dạng hình loa kèn, chúng có thể sống đơn lẻ hoặc hình thành tập đoàn, kích thước tế bào nhỏ, khoảng từ 60 – 100 μm. Đặc biệt, loài Zoothamnium sp. và Vorticella sp. là 2 loài thường tấn công tôm ở cả ao nuôi thương phẩm và trại giống.

Khi nhiễm bệnh, tôm có dấu hiệu bơi lội chậm, hoạt động khó khăn, đề kháng giảm. Trên vỏ, phần phụ, mang sinh vật bám đầy. Sinh vật bám làm cản trở sự hoạt động và làm mất chức năng hô hấp của tôm, đặc biệt gây tác hại lớn ở ấu trùng tôm và tôm nhiễm bệnh virus.

Đặc điểm

Bệnh ký sinh trùng trên tôm thường xuất hiện ở tất cả các giai đoạn của tôm từ tôm ấu trùng đến tôm trưởng thành, nhiệt độ nước cao, thời tiết nắng nóng, mật độ nuôi cao, thức ăn dư thừa trong ao nhiều, sự tích lũy của chất hữu cơ trong ao cao, chất lượng môi trường nước kém, sự có mặt của vật chủ trung gian trong ao nuôi… là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của ký sinh trùng.

Phòng bệnh

Mầm bệnh tiềm ẩn cũng có thể nằm trong cơ thể tôm giống, sau quá trình nuôi sẽ bùng phát. Do đó, trước khi thả nuôi, cần chọn nguồn con giống uy tín từ cơ sở cung cấp rõ ràng. Tôm giống được xét nghiệm sạch các loại bệnh nguy hiểm như: virus đốm trắng (WSSV), virus còi (MBV), virus đầu vàng (YHV) và bệnh Taura trên TTCT.

Cải tạo ao đúng quy trình. Nước cấp vào ao nuôi phải qua túi lọc bằng lưới hoặc vải, nguồn nước không bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, không có chứa chất diệt khuẩn, hay không nhiễm phèn. Nên có ao lắng để trữ và xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi.

Mật độ thả nuôi thích hợp sẽ giúp tôm phát triển đồng đều và hạn chế xảy ra bệnh. Khi thả tôm với mật độ quá cao khiến cho lượng thức ăn tôm tiêu thụ lớn, lượng chất thải tôm thải ra cũng lớn làm bẩn nước, sản sinh khí độc và làm bùng phát các mầm bệnh. Luôn đảm bảo tôm được phát triển trong môi trường sạch sẽ, hạn chế các yếu tố trung gian xâm nhập và phát triển.

Quản lý tốt thức ăn trong quá trình nuôi. Nên cho ăn theo giai đoạn và theo sự phát triển của tôm. Không nên cho ăn quá nhiều và quá liên tục làm dư lượng thức ăn, tạo lớp mùn bã hữu cơ gây hại cho tôm. Đồng thời, thường xuyên bổ sung Vitamin C hay các chất khoáng giúp tôm tăng sức đề kháng và mau cứng vỏ sau khi lột.

Định kỳ sử dụng men vi sinh bổ sung vào ao nuôi để giúp cải thiện chất lượng nước, xử lý mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi, cần cần thực hành tốt các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học nhằm hạn chế sự xuất hiện của mầm bệnh.

>> Cần quản lý chất lượng nước để tạo một môi trường tốt nhất cho tôm phát triển. Cụ thể, trong quá trình nuôi, cần kiểm soát các chỉ tiêu nước như: pH, hàm lượng ôxy hòa tan, độ kiềm, độ trong, độ phèn, NO2 và khí độc NH3 nằm dưới ngưỡng chịu đựng của tôm nhằm tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng nhanh.

Dẫn nguồn:thuysanvietnam.com.vn
Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102
Quản lý yếu tố môi trường trong ao nuôi
Thứ sáu, 13/09/2024 - 09:15 AM
131
Bón vôi ngày mưa đúng cách cho ao nuôi tôm
Thứ ba, 10/09/2024 - 08:14 AM
142
Tin xem nhiều
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102