1.Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND)
Diện tích tôm bị bệnh AHPND chiếm 28,9% tổng diện tích tôm bị dịch bệnh. Trong đó, tôm thẻ chiếm 76,1% diện tích tôm bị AHPND, tôm sú chiếm 23,9%. Tôm mắc bệnh chủ yếu ở giai đoạn dưới 60 ngày sau khi thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm 95,6% diện tích tôm bị bệnh; còn lại là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa.
Gây bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Kết quả giám sát cho thấy vi khuẩn có nhiều ở con giống, thức ăn tươi sống, môi trường nước tại rất nhiều vùng nuôi, xuất hiện trong các trại tôm giống và tôm thương phẩm, ở các mô hình nuôi. Hầu hết các địa phương được giám sát đều cho kết quả dương tính với AHPND.
Cục Thủy sản nhấn mạnh: “Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh AHPND, bệnh này do vi khuẩn gây ra nên có thể điều trị, tuy nhiên việc điều trị bệnh cho tôm thường tốn kém và không hiệu quả (do tôm thường bỏ ăn). Biện pháp phòng bệnh chủ động là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát sinh”.
Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có thể tồn tại trong môi trường nước, nên việc xử lý nguồn nước cấp để tiêu diệt tác nhân này là rất quan trọng. Cần xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh ra khắp vùng nuôi. Giám sát chủ động phát hiện bệnh AHPND trên tôm giống, do vậy người nuôi cần quan tâm việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn sinh học hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y, tôm có nguồn gốc rõ ràng.
2.Bệnh đốm trắng (WSD)
Diện tích tôm bị bệnh đốm trắng chiếm 28,7% tổng diện tích tôm bị dịch bệnh. Trong đó, tôm thẻ chiếm 58% diện tích tôm bị đốm trắng, tôm sú chiếm tỷ lệ 42%. Tôm mắc bệnh chủ yếu ở giai đoạn 10-60 ngày sau khi thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm 72,4% diện tích tôm bị bệnh; còn lại là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa.
Cục Thú y: “Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh đốm trắng, bệnh do vi rút nên không có thuốc điều trị. Biện pháp phòng bệnh chủ động là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát sinh, đặc biệt thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, quản lý tốt môi trường nước trong ao nuôi”.
Vi rút đốm trắng đã lưu hành tại rất nhiều vùng nuôi, xuất hiện cả trong các trại tôm giống, tôm thương phẩm, trong các mô hình nuôi và trên các loài giáp xác tự nhiên. Các loài giáp xác, tôm tự nhiên mang mầm bệnh và là nguy cơ lây nhiễm cao, do đó cần kiểm soát vật trung gian như giáp xác (cua còng, tép…). Người nuôi cần xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh. Kết quả giám sát chủ động phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm giống, do vậy cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y, tôm có nguồn gốc rõ ràng.

Bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính (AHPND) xảy ra ở hàng chục tỉnh từ Bắc đến Nam, chiếm 28,9% tổng diện tích tôm bị dịch bệnh. Trong diện tích tôm bị AHPND, tôm thẻ chiếm 76,1%, tôm sú chiếm 23,9%; diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm 95,6%; còn lại là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa.
3.Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND)
Bệnh IHHND gây thiệt hại ở phạm vi hẹp hơn so với bệnh AHPND, WSD, tuy nhiên đây là một trong những bệnh nguy hiểm trên tôm.
Cục Thú y: “Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, bệnh do vi rút nên không có thuốc điều trị. Biện pháp phòng bệnh chủ động là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát sinh”.
Kết quả giám sát chủ động cho thấy vi rút lưu hành ở nhiều vùng nuôi, mầm bệnh có trong loài giáp xác tự nhiên và là nguy cơ lây nhiễm cao, do vậy cần kiểm soát vật trung gian như giáp xác (cua còng, tép…). Người nuôi cần xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh.
Nuôi tôm cần tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh trong phòng chống, kiểm soát vật trung gian, đồng thời nâng cao sức đề kháng cho tôm trong quá trình nuôi. Kết quả giám sát chủ động phát hiện bệnh vi rút trên tôm giống, do vậy người nuôi cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y, tôm có nguồn gốc rõ ràng.
4.Bệnh vi bào tử trùng
Giám sát phát hiện, tôm giống có tỷ lệ dương tính bệnh vi bào tử trùng 3,9%, tôm thương phẩm có tỷ lệ các mẫu dương tính 24,6%, tập trung ở tôm 10-90 ngày thả.
Bệnh do vi bào tử trùng EHP gây thiệt hại không nhiều, tuy nhiên đây là một trong những bệnh nguy hiểm trên tôm do tỷ lệ lưu hành của bệnh khá cao, không gây chết tôm nhưng gây còi chậm lớn làm ảnh hưởng hiệu quả kinh tế.
Cục Thú y: “Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ động là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát sinh”.
Người nuôi cần tuân thủ quy trình an toàn dịch bệnh trong phòng chống, kiểm soát vật trung gian, đồng thời nâng cao sức đề kháng cho tôm trong quá trình nuôi. Xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh. Giám sát chủ động phát hiện vi rút trên tôm giống, do vậy người nuôi cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y, tôm có nguồn gốc rõ ràng.
5.Bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm TPD
Từ giữa năm 2023, một số vùng nuôi có hiện tượng tôm chết nhanh sau khi thả nuôi từ 3 – 10 ngày và có dấu hiệu nghi mắc bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (TPD). Cục Thú y điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân và sơ bộ nhận định: Đã có sự hiện diện vi khuẩn Vibrio mang các gene độc lực vhvp-1 và vhvp-2 và có hiện tượng ấu trùng tôm bị chết nhiều ngay sau khi thả nuôi khoảng 3-10 ngày với dấu hiệu nghi ngờ của bệnh TPD. Tôm thường bị chết ở giai đoạn postlarvae sau thả khoảng 10 ngày với tỷ lệ chết trên 80%, chết nhanh trong vòng 3 ngày. Tôm bị chết đều là tôm thẻ.
Cục Thú y: “Đây là bệnh do vi khuẩn Vibrio, do vậy nguyên tắc phòng chống bệnh TPD tương tự như đối với bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính”.
Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, cơ sở nuôi tôm (giai đoạn mới thả nuôi) cần thực hiện nghiêm việc khai báo dịch theo quy định, tiêu độc, khử trùng, xử lý triệt để ổ dịch; lấy mẫu gửi các phòng thử nghiệm để xét nghiệm (mẫu tôm, mẫu nước) và phân tích chuyên sâu, làm cơ sở để đánh giá tình hình bệnh. Tiến hành tiêu hủy tôm tại ao bị bệnh (nếu có), sau đó cải tạo lại ao, có thể ngưng nuôi hoặc chuyển qua nuôi đối tượng khác để ngắt vụ, phá vỡ đường truyền lây.
Biện pháp ngăn ngừa trong năm 2025
Cục Thú y đã có kế hoạch giám sát chủ động dịch bệnh thủy sản và hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với kinh phí 5,55 tỷ đồng. Trong năm 2025, tổ chức giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi, tập trung giám sát một số tác nhân gây bệnh mới (TPD, DIV1,..), bệnh nguy hiểm trên tôm. Hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất tôm giống, tôm thương phẩm.
Địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán thuốc thú y thủy sản; cơ sở nuôi thủy sản đặc biệt là các cơ sở đã phát hiện có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trên thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Các cơ sở sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm trên tôm theo quy định của WOAH. Thực hiện nghiêm túc các quy định về việc khai báo dịch bệnh; quan tâm xử lý nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mầm bệnh trên tôm nuôi.
Sáu Nghệ