Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Bộ NN-PTNT ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ NN-PTNT đã kịp thời chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đạt được mục tiêu kép.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Thắng.
Đặc biệt, mặc dù chịu tác động rất lớn do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất lương thực, thực phẩm đều rất dồi dào, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong nước, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Công tác xây dựng nông thôn mới, trồng và bảo vệ rừng, an toàn thực phẩm, xây dựng cơ bản… đều có nhiều kết quả tốt.
Chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản vẫn còn điểm nghẽn
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, có những tồn tại đã lâu, đang được Bộ NN-PTNT nhận diện, tập trung giải quyết.
Về quan hệ sản xuất và thị trường, ngành nông nghiệp đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hiện nay tăng trưởng ngành thường do tăng năng suất, tăng sản lượng nông, lâm, thủy sản. Điều đó chứng tỏ năng lực sản xuất, năng suất, sản lượng nông sản của chúng ta đang tốt.
Tuy nhiên, thực tế sản lượng tăng có đồng nghĩa với giá trị gia tăng của sản phẩm đó tăng hay không? Người làm ra sản phẩm, nhất là bà con nông dân có được hưởng lợi nhiều hơn hay không; có đủ lực để tái đầu tư, tái sản xuất một cách bền vững trong tình hình vật tư đầu vào ngày càng tăng hay không lại là một vấn đề đang cần phải nhìn nhận, đánh giá.
Chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm vẫn còn những điểm nghẽn, đứt gãy. Ảnh: Minh Hậu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy ví dụ: Vụ đông xuân 2020 - 2021 trên cả nước đều được mùa, được giá, nhưng sang đến vụ hè thu, giá lúa trong nước, giá gạo xuất khẩu lại bắt đầu có xu hướng giảm. Nhiều loại rau, quả giá trong nước giảm mạnh, trong khi đó giá phân bón, thức ăn chăn nuôi… lại có xu hướng tăng liên tục.
"Sản lượng cao nhưng ngành nông nghiệp vẫn phải luẩn quẩn tìm giải pháp, kêu gọi người dân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Vẫn còn tình trạng nông sản dư thừa, giá rẻ, không tiêu thụ được, nhưng người tiêu dùng trong nước, nhất ở đô thị vẫn phải mua lương thực, thực phẩm với giá cao, chứng tỏ chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm vẫn còn những điểm nghẽn, đứt gãy nào đó", Bộ trưởng trăn trở.
Về tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương triển khai nhiều giải pháp, nhưng dường như mới chỉ dừng lại ở việc xử lý các sự vụ, sự việc cụ thể.
Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong giai đoạn “hậu dịch Covid-19” còn chậm do tình hình diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia còn phong tỏa, hạn chế đi lại. Đây cũng là vấn đề cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Tỉ lệ người tiêu dùng biết tới các sản phẩm OCOP còn hạn chế
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc tổ chức và cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, chính sách cho liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế.
Trong khi đó, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phát triển HTX nông nghiệp về số lượng khá tốt, nhưng chất lượng và mức độ bền vững còn nhiều hạn chế; khâu tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị gắn với doanh nghiệp chưa phổ biến.
Về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), số xã đạt chuẩn NTM được công nhận do nhiều lý do có thể không đạt được mục tiêu đề ra. Một số địa phương còn có biểu hiện chạy theo phong trào trong việc công nhận sản phẩm OCOP, chưa chú ý tới hiệu quả của chương trình, nhất là khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm OCOP ở khu vực nông thôn.
Hiện cả nước có tới 4.847 sản phẩm OCOP được công nhận hạng 3 sao trở lên, nhưng tỉ lệ người tiêu dùng biết tới các sản phẩm OCOP này còn hạn chế.
"Tư lệnh" ngành nông nghiệp thẳng thắn đánh giá có biểu hiện chạy theo phong trào trong việc công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: TL.
Về khoa học công nghệ, nhiều sản phẩm khoa học đã được tạo ra và ứng dụng, tuy nhiên chưa đáp ứng được với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Tính liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, giữa các nhóm nghiên cứu, giữa các viện, trường trong Bộ NN-PTNT, giữa các viện, trường của Bộ NN-PTNT với các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp, sản phẩm nghiên cứu thiếu tính thực tiễn.Việc ứng dụng, chuyển giao, phổ biến, nhân rộng các kết quả nghiên cứu chưa được hệ thống hóa. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học còn manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu tập trung, khai thác chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành NN-PTNT còn yếu, chỉ số tổng hợp về cải cách hành chính của Bộ NN-PTNT năm 2020 còn đứng ở thứ hạng cao. Việc xây dựng và hoàn thiện cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin 1 cửa của Bộ tích hợp lên hệ thống quốc gia còn chậm. Nhiều thủ tục hành chính còn chưa được theo dõi, đánh giá kịp thời…
Công tác nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng được với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Ảnh: TL.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, xây dựng cơ bản, giải ngân các dự án dù cao hơn mức trung bình cả nước nhưng còn chưa đáp ứng được nhu cầu của Bộ NN-PTNT.
Vốn sự nghiệp kinh tế phục vụ trực tiếp cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT còn hạn chế.
Công tác chỉ đạo điều hành, một số nhiệm vụ công tác trọng tâm còn thiếu sự tập trung chỉ đạo, phối hợp nên kết quả và chất lượng còn chưa cao, đặc biệt là trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm ban hành. Việc tham vấn chính sách, lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả còn thấp, mang tính hình thức.
Công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp còn chậm tiến độ, chưa sát với thực tế, nhất là vai trò của Bộ NN-PTNT cũng như vai trò của địa phương cần phải rạch ròi và thể hiện rõ
Chủ động dự báo, tránh bị động tiêu thụ nông sản
Về các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch ngành NN-PTNT từ nay đến cuối năm 2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 để nhắm tới mục tiêu phát triển ngành theo hướng tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Nhất là giảm thiểu vật tư đầu vào, sử dụng vật tư nông nghiệp thân thiện với môi trường, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ có giá trị gia tăng cao, chú trọng đưa nông dân và các thành phần tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, từng bước giải quyết bài toán quan hệ giữa sản xuất và thị trường. Về vấn đề này, Bộ NN-PTNT đã họp và thống nhất về hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản của Bộ, sẽ tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo, rà soát bổ sung các hoạt động, thành lập các tổ nhóm chuyên đề, trong đó đặc biệt lưu ý hoạt động của tổ nhóm cung cấp dữ liệu thống kê, dự báo về số lượng, sản lượng các sản phẩm nông sản sớm trước mỗi mùa vụ để có kế hoạch, phương án tiêu thụ.
Phải giảm thiểu vật tư đầu vào, sử dụng vật tư nông nghiệp thân thiện với môi trường, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đó, phải có phương pháp để có thông tin, dữ liệu sát với thực tế, trước mắt là phục vụ cho công tác tiêu thụ các nông sản có tính mùa vụ trong các tháng cuối năm 2021, tránh bị động.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (IPSARD) chủ trì nghiên cứu, xây dựng báo cáo tình hình xuất khẩu nông sản 5 năm qua cũng như chiến lược, kế hoạch cho 5 năm tới trên cơ sở lấy ý kiến từ các chuyên gia, Bộ ngành liên quan…
Về công tác khuyến nông, giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì nghiên cứu, triển khai đổi mới công tác khuyến nông theo hướng hợp tác giữa khuyến nông nhà nước gắn với khuyến nông của doanh nghiệp, tăng cường công tác khuyến nông của các viện nghiên cứu, khuyến nông theo chuỗi ngành hàng, huấn luyện nông dân tiếp cận với kiến thức làm nông và kinh doanh nông sản, hỗ trợ các trường của Bộ NN-PTNT đào tạo nghề nông nghiệp…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng giao IPSARD phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức và chính sách khuyến khích mở rộng tích tụ đất đai phù hợp với các đặc điểm vùng miền và nhu cầu của doanh nghiệp.
Giao Văn phòng NTM Trung ương chuẩn bị kỹ để Bộ NN-PTNT trình Quốc hội phê duyệt chủ trương Chương trình MTQG Xây dựng NTM vào tháng 7/2021.