Tăng vọt bất thường
Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong tháng đầu năm 2020 trong khi thị trường tôm Trung Quốc rơi vào trì trệ và gần như bị đóng băng do COVID-19 bùng phát. Các công ty sản xuất tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Ecuador và Argentina vận chuyển tôm sang Mỹ nhiều hơn thường lệ. Dù việc tăng cường nhập khẩu tôm và corona có vẻ liên quan đến nhau, song nhiều nhà nhập khẩu và xuất khẩu tôm lại không nghĩ như vậy.
Mỹ đã nhập khẩu 65.109 tấn tôm, trị giá 566,2 triệu USD trong tháng 1/2020, tăng 19% khối lượng và 18% giá trị so tháng 1/2019, theo số liệu từ Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA). Giá trung bình của tất cả các mặt hàng tôm đạt 8,70 USD/kg, giảm 12% so mức 8,82 USD vào tháng 12/2018 và giảm 1% so giá tháng 1/2019.
Cả 3 nguồn cung tôm truyền thống và lớn nhất cho thị trường Mỹ đều tăng cường xuất tôm sang nước này, theo NOOA. Cụ thể, Ấn Độ đã xuất khẩu 28.231 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 244,6 triệu USD trong tháng 1/2020, tăng 31% khối lượng và 33% giá trị, với giá trung bình là 8,67 USD/kg, tăng 0,14 USD/kg so giá cùng kỳ năm ngoái. Indonesia cung cấp cho Mỹ 13.239 tấn tôm, trị giá 117,1 triệu USD, tăng 24% khối lượng và 21% giá trị. Giá xuất khẩu tôm trung bình của Indonesia đạt 8,85 USD/kg, thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái 0,17 USD/kg. Nguồn cung lớn thứ 3 là Ecuador, với 8.431 tấn tôm xuất khẩu sang Mỹ, tăng vọt 64% khối lượng và 62% giá trị, giá trung bình 6,27 USD/kg, thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái chỉ 0,06 USD/kg.
Những dữ liệu thống kê về nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 1/2020 khiến nhiều người không tránh khỏi sự ngạc nhiên vì quá bất thường, theo Donelse Berger, Phó Giám đốc công ty Lotus Seafood tại Seattle, Washington, một doanh nghiệp nhập khẩu tôm lâu đời tại Mỹ.
Trong khi tháng 10 và tháng 11 hàng năm mới có sự tăng vọt đột biến, thì tháng 1 năm nay lại ghi nhận lượng tôm nhập khẩu tăng bất thường. Tuy nhiên, tôm được giao đến thị trường Mỹ trong tháng 1 nằm trong những đơn hàng trước đó 2 tháng, cách xa thời điểm bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc. Nên không thể khẳng định lượng tôm này được Mỹ đặt mua để phục vụ thị trường do COVID-19 bùng phát. Thật khó tin khi Mỹ mua nhiều tôm hơn với giá không hề rẻ, ông Donelse Berger cho biết. Dù vậy ông vẫn tin dữ liệu thống kê của NOOA chính xác.
Jim Gulkin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Siam Canada không nhận thấy sự liên quan giữa COVID -19 và động thái nhập khẩu tôm bất thường tại Mỹ. Số liệu nhập khẩu tôm trong tháng 1 của Mỹ thực sự không phải do virus corona, ông Jim khẳng định. Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân có thể do một vài lô hàng phục vụ lễ Giáng sinh bị chậm giao, tháng 1 mới đến được thị trường Mỹ, cộng với việc Mỹ muốn lấp đầy các kho hàng dự trữ. Điều này làm cho lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ dường như tăng vọt bất thường nhưng kỳ thực nó không hề phản ánh sự thay đổi nào trên thị trường Mỹ.
Một công ty nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ cũng khẳng định COVID -19 không thể chi phối xu hướng thị trường tôm Mỹ trong tháng 1 vừa qua. Theo công ty này, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ vào thời điểm cuối năm 2019 rất mạnh, vì kinh tế ổn định, giá tôm hợp lý và lượng tôm tiêu thụ tại các chuỗi dịch vụ thực phẩm đều tăng cao. Ngoài ra, nhiều công ty cũng nỗ lực chuẩn bị trước hàng cho mùa chay sẽ diễn ra vào tháng 4 hàng năm và xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm vào mùa hè. Theo công ty này, nhìn chung giá tôm giảm so năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ có Ấn Độ gần đây đã xuất khẩu rất nhiều tôm cỡ lớn 16 - 20 đến 20 - 25 sang Mỹ, khiến giá tôm trung bình dường như tăng cao hơn năm ngoái.
Vượt thị trường tôm Trung Quốc?
Năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, với 718.000 tấn, trị giá 4,4 tỷ USD, vượt 462.000 tấn so với năm 2018, theo Undercurrentnews. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa tính đến lượng lớn tôm chuyển tải qua Việt Nam không thống kê chính thức được. Tính riêng tháng 12/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 97.000 tấn tôm. Trong năm này, các nguồn cung tôm lớn nhất tại thị trường Trung Quốc gồm Ecuador (322.636 tấn), Ấn Độ (155.027 tấn), Argentina (35.099 tấn) và Indonesia (9.269 tấn).
Những công ty xuất khẩu tôm cũng đang đứng ngồi không yên tại Trung Quốc. Họ đang nỗ lực để vượt qua các vấn đề cơ sở hạ tầng thương mại. Nhiều cảng biển bị phong tỏa, giao thông đi lại trong nước bị kìm hãm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của người dân Trung Quốc sụt giảm mạnh, dẫn đến nguồn cung hàng hóa bị ứ đọng và tràn ngập thị trường toàn cầu, theo Pavethra Ponniah, Phó Giám đốc ngân hàng đầu tư ICRA, Ấn Độ.
Ngoài nhu cầu tiêu thụ giảm, giao thông trong nước bị phong tỏa dẫn đến hàng hóa ùn ứ tại cảng, trong kho hàng và cả nhà máy chế biến làm nhiều mặt hàng thủy, hải sản tươi sống bị hư hỏng nặng. Các cảng biển vẫn chưa thông quan trở lại trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, số phận các container hàng thủy, hải sản vẫn chưa thể định đoạt.
Nhiều hãng chế biến và kinh doanh tôm Ấn Độ tại sự kiện Hội chợ triển lãm thủy hải sản quốc tế Kochi tổ chức hồi đầu tháng 2 cho biết giá tôm đã giảm tới 0,5 USD/kg. Tôm Ecuador giảm 15 - 23% tùy cỡ, mặc dù vậy xuất khẩu tôm của Ấn Độ vẫn tăng trưởng ngoạn mục trong cuối tháng trước.
Năm ngoái, Mỹ vẫn là một thị trường lớn với mặt hàng tôm khi nhập khẩu 700.065 tấn tôm, mặc dù đã giảm 18.000 từ Trung Quốc, nhưng trị giá lên đến 6 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so năm trước đó. Nhà nhập khẩu tôm Ấn Độ tại Mỹ cho biết họ lo ngại thị trường Mỹ sẽ khủng hoảng do các ca nhiễm COVID -19 đang tăng dần. Tuy nhiên, theo công ty này, tín hiệu tích cực là nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân vẫn chưa suy yếu. Do đó, công ty này vẫn dồn lực vào xuất khẩu hàng khi tình hình dịch bệnh chưa diễn biến quá phức tạp và vượt tầm kiểm soát.