Lưu ý khi tôm bị đốm trắng

Thứ tư, 03/07/2024 - 08:59 AM      142

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh đốm trắng do virus gây ra. Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

 

Dấu hiệu

Tôm bơi lội lờ đờ, dạt vào bờ gần mặt nước quanh bờ ao, vỏ giáp đầu ngực lơi lỏng, ruột giữa màu trắng chạy dọc theo bụng. Khi bóc tách vỏ giáp đầu ngực, soi dưới ánh sáng sẽ thấy các đốm trắng có đường kính 0,5 – 2 mm bên trong giáp đầu và đốt thứ 5 – 6. Đốm trắng có tâm trắng trong, bên ngoài trắng đục.

Bệnh thường xuất hiện 1 – 2 tháng sau khi thả nuôi, giai đoạn này tôm nhỏ nên khó phát hiện các đốm trắng.

Tôm nuôi chết rất nhanh (từ 80% trở lên) trong 1 – 5 ngày sau khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh.

Biện pháp phòng bệnh

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh đốm trắng do virus gây ra nên cách duy nhất là phòng bệnh bằng các biện pháp như:

– Trong quá trình nuôi tôm cần đặc biệt chú ý duy trì ổn định môi trường nuôi bằng các biện pháp cơ học như quạt nước, sục khí đáy và xi phông đáy ao; các biện pháp hóa dược như bón vôi để duy trì pH, tăng độ kiềm; các biện pháp sinh học như dùng chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường ao nuôi…
– Chú trọng nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý, chăm sóc tốt; sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, đồng thời bổ sung các loại enzyme, vitamin, chất khoáng vi lượng nhằm giúp tôm tăng cường khả năng tiêu hóa và sức đề kháng với bệnh.
– Nguồn nước phải qua lắng lọc, xử lý trước khi đưa vào ao nuôi.
– Thường xuyên vệ sinh, khử trùng dụng cụ cho tôm ăn, kiểm tra màu sắc, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để phát hiện kịp thời.
– Khuyến khích người nuôi áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến như quy trình nuôi tôm dùng chế phẩm sinh học và quy trình nuôi tôm theo công nghệ biofloc có tác dụng rất lớn nhằm phòng, chống bệnh đốm trắng cho tôm nuôi.

Xử lý khi ao bị nhiễm virus đốm trắng

Báo ngay cho cơ quan chức năng khi thấy tôm có dấu hiệu bệnh lý;

Cách ly ao bệnh;

Thu tôm trong vòng 1 – 2 ngày để giảm thiểu thiệt hại;

Sau khi thu tôm, khử trùng nước và dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi tôm bằng Chlorine nồng độ 40 mg/lít. Giữ nước sau khi xử lý Chlorine ít nhất 7 ngày trước khi xả ra môi trường. Dụng cụ và quạt nước dùng trong ao phải được phun xịt bằng nước hòa Chlorine với nồng độ 1,6 g/lít hoặc nếu có thể thì ngâm trong nước hòa tan 40 mg/lít Chlorine trong ít nhất 3 ngày;

Nếu tôm bị chết chưa kịp thu hoạch thì hủy tôm bằng Chlorine nồng độ 40 mg/lít. Trong trường hợp tôm chưa chết hết thì tái xử lý Chlorine nồng độ 100 mg/lít;

Xác tôm chết phải lưu lại trong ao ít nhất 7 ngày cho phân hủy tự nhiên và tiêu diệt mầm bệnh (vì mầm bệnh có thể tồn tại trong nhân tế bào);

Sau khi tháo nước, loại bỏ bùn đáy, xử lý vôi với lượng 10 – 15 kg/100 m² khi đáy còn ẩm (hoặc bón vôi theo pH đáy ao). Phơi khô đáy, bảo đảm không còn chỗ ẩm cho mầm bệnh ẩn nấp;

Những ao gần kề ao nhiễm bệnh không có dấu hiệu bệnh (như giảm ăn, lờ đờ) có thể duy trì bằng cách tăng cường chăm sóc, quản lý, nâng cao sức đề kháng cho tôm. Xử lý Iodine 10% ở mức 0,3 – 1 mg/lít (lặp lại sau 3 – 4 ngày) hoặc Formaline 70 mg/lít (mỗi ngày) hoặc BKC với nồng độ 1 mg/lít.

T.Tín

Tags:
Ý kiến của bạn