Điểm sáng hải sản
Theo VASEP, kết thúc năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 8,6 tỷ USD, giảm 2,3% so năm 2018; trong nhóm các sản phẩm chủ lực, chỉ có cá ngừ duy trì tăng trưởng dương gần 12%, các mặt hàng khác đều giảm. Theo đó, tôm giảm gần 5%, cá tra giảm gần 12%, mực, bạch tuộc giảm 13%; ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm từ các loại cá khác cũng tăng tương đối với mức 15%, góp phần hạn chế sụt giảm kim ngạch do tôm, cá tra và mực, bạch tuộc.
Mặc dù, xuất khẩu hải sản vẫn tăng 8% so năm 2018 đạt trên 3,2 tỷ USD, nhưng chủ yếu tăng ở cá ngừ (tăng 12% đạt 728 triệu USD) và các loại cá biển khác (tăng 15% đạt 1,65 tỷ USD). Tuy nhiên, tới 65 - 70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Xuất khẩu hải sản tăng chủ yếu ở các thị trường khác, trong khi tại thị trường EU sụt giảm 11,5%, trong đó cá ngừ giảm 11%, mực, bạch tuộc giảm 20% và từ thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của “thẻ vàng” IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. Xuất khẩu mực, bạch tuộc năm 2019 giảm 13% đạt 585 triệu USD, không chỉ giảm ở thị trường EU mà tất cả các thị trường. Nguồn nguyên liệu khan hiếm, khó cạnh tranh với các nguồn cung khác tại các thị trường nhập khẩu khiến xuất khẩu liên tục sụt giảm.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 44,5% trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đi các thị trường. Tính tới tháng 11/2019, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng 42,6% đạt 297,6 triệu USD. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, chiếm tỷ trọng 19,2%. Tại thị trường ASEAN, tổng giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này 11 tháng đầu năm 2019 đã tăng 4,6%; xuất khẩu am sang Thái Lan tăng 98%. Tại Nhật Bản, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng 11,7%, chủ yếu là cá ngừ chế biến.
Cơ hội năm 2020
Theo VASEP, những yếu tố đang chi phối xuất khẩu thủy sản trong năm 2019 như thuế chống bán phá giá tôm, cá tra tại Mỹ, “thẻ vàng” IUU đối với hải sản khai thác sang EU khó đoán định được sẽ có chiều hướng tốt hơn hay xấu đi trong năm 2020. Tuy nhiên, với các thị trường trọng điểm của thủy sản VIệt Nam thì Trung Quốc vẫn được nhận định là có nhiều triển vọng với hai mặt hàng tôm và cá tra.
Xuất khẩu tôm nhiều triển vọng trong năm 2020. Ảnh: PTC
Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ đa dạng nhất các sản phẩm cá tra Việt Nam từ sản phẩm cá tra fillet đông lạnh truyền thống tới cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, bong bóng cá tra đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, fillet cá tra cắt tẩm gia vị đông lạnh, chả cá tra đông lạnh, cá tra cắt Nugget tẩm bột chiên đông lạnh… Còn với thị trường Nhật Bản, xuất khẩu thủy sản có thể vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định quanh mức 10%, sau khi tăng khoảng 8% năm 2019.
Về mặt hàng tôm, theo một số nhận định, nguồn cung tôm thế giới trong năm 2020 vẫn nhỉnh hơn so với cầu khi sản lượng tiếp tục tăng cao ở nhiều nước. Vì vậy, để cạnh tranh tốt hơn, tôm Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực giải quyết một trong những hạn chế lớn nhất là giá thành. Cùng đó, cần duy trì lợi thế cạnh tranh và thương hiệu của mình qua việc chú trọng chất lượng sản phẩm, kiểm soát dư lượng kháng sinh, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Việc Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) đối với cá tra Việt Nam, với thuế suất 0% cho bị đơn bắt buộc và tự nguyện, cũng mang lại ít nhiều hy vọng cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm 2020, dù phải đến tháng 2/2020 mới có kết quả cuối cùng. Đây là thông tin rất được mong đợi với ngành hàng cá tra, bởi trong năm 2019, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm rất mạnh (giảm tới 45,8% trong 10 tháng đầu năm 2019 khi chỉ đạt 232,9 triệu USD) chủ yếu là do bị áp thuế quá cao từ kết quả cuối cùng của POR14. Mặt khác, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KIS, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh trong năm 2019 (chủ yếu do giá cá nguyên liệu giảm vì sản lượng tăng cao), có thể sẽ thúc đẩy việc cải thiện nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường này trong năm 2020.
>> Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh tại 2 thị trường này ngày một lớn, khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang chiếm hơn nửa thị phần tại Trung Quốc; các nước sản xuất khác cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường này. |
Theo: Thủy Sản Việt Nam