Theo đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra pH và duy trì pH ở mức thích hợp 7,5 - 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị. Trong những ngày nắng nóng cần tăng cường quạt nước và nâng mực nước ao nhằm giảm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm; giảm sốc cho tôm nuôi; đối với khu vực ương giống nuôi 2 giai đoạn cũng cần có hệ thống che làm giảm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.
Gia cố bờ bao, chống xói lở bờ ao, hạn chế nước mưa có thể kéo theo các chất thải hữu cơ vào trong ao; dùng vôi nông nghiệp, hoặc vôi sống tạt trên bờ trước khi mưa, sau khi mưa, hòa vôi trong nước tạt đều quanh ao nuôi (2 - 3 kg/100 m2 ao nuôi). Chủ động giảm hoặc ngưng cho tôm ăn trong thời gian mưa; trong khi mưa thường xuyên dùng máy quạt ôxy để hạn chế sự phân tầng nước. Sau khi mưa có thể dùng chế phẩm sinh học hoặc vi sinh nhằm ổn định và cải thiện chất lượng nước. Các ao nuôi có nguồn nước cấp thuộc các điểm quan trắc có mật độ Vibrio cao và các điểm quan trắc có xuất hiện Vibrio parahaemolitycus cần lấy nước qua ao lắng, xử lý nước bằng chế phẩm sinh học và diệt khuẩn kỹ trước khi cấp nước vào ao nuôi; bên cạnh đó, các thủy vực có hàm lượng TSS cao cần lấy nước qua ao lắng để giảm hàm lượng TSS trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời, người nuôi nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy, lý hóa nước ao và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vi lượng, khoáng chất, vitamin, đặc biệt là Vitamin C vào khẩu phần ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng. Thường xuyên kiểm tra ao nuôi để kịp thời phát hiện diễn biến mầm bệnh, nhất là vào những ngày mưa to, nhiệt độ tăng cao; cùng đó, thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết, thông tin cảnh báo dịch bệnh để chủ động trong sản xuất.
Theo:thuysanvietnam.com.vn