Lượng hàng tồn kho lớn
Ngành nông nghiệp những tháng đầu năm 2020 đang phải trải qua giai đoạn hết sức khó khăn khi dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam. Gia tăng căng thẳng thương mại và rủi ro, suy thoái kinh tế trên diện rộng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại toàn cầu nói chung, thương mại nông sản nói riêng.
Theo ghi nhận tại Quảng Ninh, sản lượng nông sản còn tồn đọng chủ yếu ở lĩnh vực thủy sản rất lớn; trong đó, ngao hai cùi còn 3.000 tấn; hàu cửa sông, hàu đại dương là 7.000 tấn... tập trung tại huyện Vân Đồn, Đầm Hà, Quảng Yên. Đó là chưa kể một số sản phẩm sẽ vào vụ thu hoạch chính khoảng 2 tháng tới như: 400 tấn tôm, các loại thủy sản khai thác khoảng 2.500 tấn... Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, Sở đã chủ động làm việc với các trung tâm thương mại lớn, các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết tiêu thụ hàng cho người dân; phối hợp với đơn vị thu mua đầu mối vận chuyển ngao tới các chợ truyền thống, đưa đến tận tay người dân tiêu thụ, đề nghị doanh nghiệp lớn đưa các sản phẩm ngao vào các bữa ăn tập thể.
Còn tại Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin, hiện nay, sản xuất tôm của tỉnh tăng khoảng 6,51% về sản lượng so năm ngoái, tỉnh cũng tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tiền điện để mở kho dự trữ tôm đông lạnh, chi trả bảo hiểm xã hội cho công nhân. Vì các doanh nghiệp phải thu mua chế biến thì sản phẩm của nông dân mới có đầu ra ổn định; cùng đó, doanh nghiệp cam kết tiếp tục sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu để vượt qua khó khăn; Bạc Liêu dự kiến 2 năm nữa, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, giá tôm khoảng 1 tuần trở lại đây giảm khoảng 10%, cùng đó vùng sản xuất tôm trọng điểm của tỉnh thì bị nhiễm mặn khoảng 30 - 35‰. Do đó, địa phương kiến nghị Trung ương có nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng 4 cống ngăn mặn qua đê nhằm giải quyết tình thế.
Cấp bách tìm hướng đi
Về lĩnh vực thủy sản, mặc dù còn nhiều khó khăn trong xuất khẩu do tác động của dịch COVID-19, giá cá tra giảm, xâm nhập mặn; nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm, các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cạnh tranh hơn, trong đó có việc mở lại thị trường Ả Rập Saudi. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; xây dựng quy trình đầy đủ về công tác xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác trước khi xuất khẩu; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng bốc dỡ qua cảng theo yêu cầu của EC…
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước để tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài cũng là giải pháp quan trọng được thúc đẩy. Bộ NN&PTNT sẽ chủ động phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường…
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch COVID-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch; phải tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất (bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch COVID-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao về số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý tích trữ của người dân).
>> Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản hai tháng đầu năm 2020 đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhiều mặt hàng giảm sâu, nhiều nhất là quế (11 triệu USD, giảm 39%), cá tra (đạt 226 triệu USD, giảm 27,4%)… |
Theo: Thủy Sản Việt Nam