Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình, cho biết: Từ những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực của tỉnh, những năm qua, tỉnh đã từng bước “đánh thức” tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên hồ Hòa Bình, phấn đấu năm 2020 phát triển được 4.800 lồng nuôi cá, sản lượng đạt 9.500 tấn.
Ảnh minh họa
Được biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, đến hết năm 2019, Hòa Bình có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 2.700 ha (tăng 610 ha so với năm 2013), gồm diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, cá ruộng và nuôi cá hồ chứa kết hợp thủy lợi. Các địa phương phát triển trên 4.670 lồng nuôi cá (tăng 3.300 lồng), sản lượng thu hoạch hơn 9.200 tấn (tăng 5.200 tấn so với năm 2013); trong đó khai thác hơn 1.700 tấn, nuôi trồng khoảng 7.500 tấn, chủ yếu là các loại cá chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo Mỹ, điêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm… Trong năm, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng ước đạt 6,2%.
Hiện, Hòa Bình có 15 cơ sở, hộ gia đình đầu tư nuôi cá quy mô trên 20 lồng, trong đó có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, theo hình thức thâm canh và bán thâm canh các loài cá đặc sản như: Tập đoàn Mavin, Công ty TNHH thương mại đầu tư Việt Đức, các Công ty TNHH Hải Đăng, Cường Thịnh, Hưng Nguyên... Đã có 9/15 cơ sở được cấp chứng nhận ATTP, VietGAP, nhờ đó, sản phẩm đã tạo chữ tín trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng.
Theo: Thủy Sản Việt Nam