Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Fimex - Ảnh: Vân Trường |
Chuyện thủy sản nhiễm kháng sinh kéo dài từ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ nóng bỏng như hiện tại khi hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngưng xuất khẩu hoặc nằm trong diện sắp bị ngưng xuất khẩu.
Đổ tiền tỉ kiểm tra
"Quan trọng là hướng dẫn người nuôi làm đúng quy trình sử dụng kháng sinh, đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm" Ông Phạm Anh Tuấn (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản) |
Anh Hoàng Thanh Vũ - phụ trách phòng quản lý chất lượng của một doanh nghiệp chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu, đã gửi thư cho Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Nhà nước có biện pháp quản lý chặt chẽ tình trạng trên. Anh cho biết doanh nghiệp của anh đã ba lượt bị cảnh báo từ phía Nhật Bản, nếu thêm lần nữa sẽ bị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) tạm ngưng có thời hạn xuất vào thị trường Nhật Bản. Lúc đó doanh nghiệp sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có thể phá sản.
Đáng nói là không phải doanh nghiệp không nhận thức được nguy cơ của thủy sản nhiễm kháng sinh và thực tế họ đã chi thêm hàng tỉ đồng mỗi năm để kiểm tra nguyên liệu đầu vào, nhưng không thể phát hiện hết các lô nguyên liệu nhiễm kháng sinh này.
Ông Trần Văn Phẩm - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng - nêu thực tế năm 2011 doanh nghiệp ông phải chi gần 11 tỉ đồng cho kiểm tra kháng sinh tại doanh nghiệp. Hiện chất enrofloxacin đang bị đối tác Nhật, Canada kiểm tra rất gắt gao, có lúc công ty ông bị “giam” container tại cảng của các nước này 7-10 ngày khiến doanh nghiệp nhiều phen lao đao vì áp lực lãi suất ngân hàng và tiền thuê kho bãi.
Tương tự, anh Hoàng Thanh Vũ cho biết chỉ riêng tiền mà công ty anh bỏ thêm để kiểm tra chất lượng các lô hàng trong năm 2011 đã tốn hơn 4,75 tỉ đồng, chưa kể gần 2 tỉ đồng khác phải trả cho Nafiqad vùng 5 (Cà Mau) để cơ quan này kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất khẩu.Không thể quản lý từ ngọn
Trước thông số các lô hàng thủy sản bị cảnh báo kháng sinh, ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Nafiqad, cho biết đã tăng cường kiểm tra chất lượng gắt gao hơn thời gian trước đây. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp lại cho rằng cách mà Bộ NN&PTNT (thông qua Nafiqad) nhằm tăng cường kiểm tra các lô hàng xuất khẩu thật ra không hề giúp nâng cao chất lượng nuôi tôm, mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi mất thêm chi phí kiểm tra.
Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), kiểm soát thành phẩm không thể giải quyết được gốc của vấn đề khi người nuôi vẫn tiếp tục sử dụng enrofloxacin trong nuôi tôm và hoạt động kiểm soát ngưng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch vượt quá khả năng của doanh nghiệp.
Do đó, VASEP đã nhiều lần đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) xem xét và sớm có các biện pháp triệt để cấm sử dụng enrofloxacin trong nuôi tôm, chỉ dẫn người nuôi chất thay thế đảm bảo ngăn ngừa từ gốc và tránh thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp.
Ông Phạm Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết chưa thể cấm ngay việc sử dụng chất enrofloxacin trong nuôi trồng thủy sản vì tại các nước nhập khẩu như Nhật Bản, Mỹ... cũng không cấm mà chỉ quy định một hàm lượng giới hạn cụ thể.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết Tổng cục Thủy sản sẽ kiến nghị chuyển enrofloxacin từ “hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản” sang “cấm sử dụng”. “Hiện chúng tôi đang rà soát hết danh mục thuốc sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để xem những thuốc nào chứa enrofloxacin, nếu có sẽ loại ra, không được phép sản xuất kinh doanh lưu hành tại thị trường VN nữa” - ông Tuấn nói.
Vẫn vô tư dùng kháng sinh Enrofloxacin là chất kháng sinh có trong thuốc thú y nhưng hạn chế dùng cho động vật ở giai đoạn phát triển nhanh vì có ảnh hưởng đến thị lực. Trong thủy sản, enrofloxacin được sử dụng để kiểm soát môi trường và phòng trị bệnh cho tôm. Chất này nằm trong danh mục các hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất thủy sản. Theo các nhà quản lý, ngưng sử dụng enrofloxacin trước khi thu hoạch 14-28 ngày thì dư lượng thuốc sẽ được đào thải ra ngoài hoặc giảm xuống mức cho phép, tuy nhiên việc này rất khó kiểm soát trong điều kiện nuôi tại VN. Tại VN, người nuôi tôm vẫn đang sử dụng phổ biến enrofloxacin trộn với thức ăn để trị bệnh gan cho tôm trong giai đoạn nuôi, đặc biệt đối với tôm chân trắng. |