EVFTA Thị trường GDP 18.000 tỷ USD mở cửa

Thứ tư, 19/02/2020 - 02:32 PM      526

Trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP 18.000 tỷ USD.

 
 
EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm 17% tổng giá trị. Ảnh: Bùi Văn Lan


Đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; trong đó, cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Nếu đưa vào thực thi, hiệp định này sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam có nhiều cơ hội về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại. Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam; khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương; thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng leo thang.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đối với EVFTA, hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam mới đạt gần 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU. Trong số đó, chỉ khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được hưởng mức thuế 0% (kể cả các mặt hàng thuộc Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP). Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cũng như quy mô thị trường của EU.

Năm 2019, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với năm 2018; trong đó, xuất khẩu đạt trên 41,54 tỷ USD, giảm 0,81% và nhập khẩu đạt 14,90 tỷ USD, tăng 6,84%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 lần lượt là Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italy, Áo, Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan và Thụy Điển.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% trong năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Cụ thể, khoảng 15,28% trong năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18- 3,25% (trong giai đoạn 2019- 2023); 4,57- 5,30% (giai đoạn 2024- 2028) và 7,07- 7,72% (giai đoạn 2029- 2033).

Thách thức

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc thực thi EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Do đó, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với doanh nghiệp yếu kém, nhất là doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.

Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Nhưng quan trọng hơn cả, cần nhìn nhận đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, các cam kết nhiều lĩnh vực mới trong EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật.

EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được thị trường EU chấp nhận.

Do đó, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam phải vượt qua được thách thức, tận dụng được  cơ hội do  EVFTA đem lại.

Cơ hội vào thị trường 18.000 tỷ USD

“Liên minh châu Âu đánh giá cao đối tác Việt Nam toàn diện và tin cậy trong phạm vi Đông Nam Á và toàn cầu. Do vậy, EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam vào thị trường quy mô GDP 18.000 tỷ USD.

Đây là cơ hội tốt đáp ứng cho kinh tế Việt Nam cũng như các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Để tận dụng cơ hội này, Bộ Công Thương sẽ triển khai ngay việc rà soát kế hoạch hành động của Chính phủ, báo cáo Chính phủ để ngay sau khi Hiệp định được Quốc hội và Chủ tịch nước phê chuẩn thì chương trình hành động cũng được ký ban hành. Chương trình này không có nghĩa là đợi ban hành mới thực hiện mà phải thực hiện trước.

Mặt khác, Bộ cũng triển khai ngay việc tổ chức cung cấp thông tin và tuyên truyền cho các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị để đảm bảo chương trình hành động ban hành, có cùng quan điểm trong tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khác để tổ chức lại sản xuất, đảm bảo tái cơ cấu dài hạn, đảm bảo sản phẩm hàng hóa, nhất là nông nghiệp, sớm được tổ chức, đảm bảo điều kiện của thị trường châu Âu, bởi đây là thị trường có nhiều hàng rào kỹ thuật. Không những thế, Bộ Công Thương cũng sớm tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, nhất là với cơ chế chứng nhận động thực vật.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tập trung phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm triển khai nhiệm vụ này, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ giao phó là xuất khẩu đạt 300 tỷ USD ngay trong năm 2020 này.

Điểm cuối là câu chuyện liên quan đến quản lý Nhà nước trong đấu tranh chống gian lận thương mại.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thực tiễn cho thấy, càng nhiều ưu đãi thương mại cũng là lúc nguy cơ thẩm lậu càng nhiều và chuyển tải trong đầu tư, lợi dụng cơ chế ưu đãi để gian lận xuất xứ, gian lận thương mại. Vì vậy, năng lực thể chế của Việt Nam cần phải được nâng cao và được đặt ra trong chương trình hành động.

“Và chắc chắn những lợi ích kinh tế, thương mại và nhiều lợi ích khác sẽ có sự lan tỏa rộng rãi ra tất cả những mặt khác, mang lại sự tiến bộ phồn vinh cho nhân dân. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được. Vấn đề chỉ còn là Việt Nam tổ chức thực hiện hiệp định như nào để EVFTA thực sự mang lại lợi ích toàn diện cho người dân cả hai bên, để cho một khung khổ hội nhập mới không để ai bị bỏ lại phía sau. Tôi tin rằng, EU chia sẻ và hoàn toàn ủng hộ về điều này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa châu Âu (EU) với Việt Nam.

EVFTA sẽ được Quốc hội và Chủ tịch nước phê chuẩn vào tháng 5, có hiệu lực vào tháng 7/2020.

Ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) sẽ được EU xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn. 

EU cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) nhưng sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm giúp Việt Nam có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn tấm vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.

Các sản phẩm khác như củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, mật ong, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

 
Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch
Thứ hai, 16/09/2024 - 09:10 AM
99
Châu Á: Phục hưng ngành tôm
Thứ năm, 29/08/2024 - 04:30 PM
255
Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Thứ sáu, 26/07/2024 - 08:15 AM
236
Tin xem nhiều
Châu Á: Phục hưng ngành tôm
Thứ năm, 29/08/2024 - 04:30 PM
255
Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch
Thứ hai, 16/09/2024 - 09:10 AM
99