Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam Trần Văn Quang cho biết, từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 thì thị trường Trung Quốc ách tắc và Công ty không còn xuất khẩu sang thị trường này nữa. Tuy nhiên, nhờ đã đa dạng thị trường nên sự sụt giảm thị trường Trung Quốc không là vấn đề lớn với Công ty. Tuy nhiên, ảnh hưởng thị trường lại có tính chất dây chuyền, khi ách tắc thị trường Trung Quốc thì nhiều doanh nghiệp chuyển hướng mở thị trường khác, đẩy tới tình trạng cạnh tranh bằng giảm giá. Phía khách hàng ở nước ngoài thấy vậy cũng tìm mọi cách hạ giá và còn xuất hiện tâm lý chần chừ để chờ giá hạ hơn nữa. Tất cả làm cho xuất khẩu cá tra ở các thị trường gặp khó khăn. Từ khi thị trường Trung Quốc mở lại cửa khẩu chính ngạch vì đối phó với dịch cúm COVID-19 có hiệu quả, hoạt động xuất khẩu cá tra cũng dần ổn định.
Ảnh minh họa
Còn Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Biển Đông Ngô Quang Trường nhận định, trên thị trường tồn kho cũ bị cạn và đang có xu hướng tăng tích trữ do dịch COVID-19. Ông Trường cho biết, thị trường thủy sản ở Mỹ đã gặp khó từ 3 tháng trước, khi Mỹ đánh thuế cao với hàng của Trung Quốc và nhiều nhà xuất khẩu chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Mỹ khiến cho lượng cung thừa so với cầu. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc, nguồn cung ở thị trường Mỹ càng thừa. Tuy nhiên, thị trường Mỹ hiện đã trở lại bình thường
Phân tích tương tự ông Trường, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, “đơn hàng cá tra có thể tăng đột biến”. Theo bà Tâm, cá tra fillet đông lạnh là mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở nhiều thị trường nên có nhu cầu lớn cả trong và sau dịch COVID-19. Vừa rồi, đơn hàng từ Trung Quốc giảm nhưng khả năng sẽ tăng đáng kể trong quý II và III/2020, nhiều khách hàng của Công ty ở châu Âu cũng nhận định, đơn hàng cá tra có thể tăng đột biến do cá thịt trắng được gia công ở Trung Quốc như cá cod, cá pollock, haddock đang bị ách tắc.
Theo: Thủy Sản Việt Nam