Đau xót nghề nuôi tôm: Làm giàu không dễ!

Thứ bảy, 07/03/2020 - 04:40 PM      527

Người ngoài hay tung hô về những vụ tôm tiền tỷ, mấy ai nhìn vào cái cực, cái rủi ro của nghề nuôi tôm.

Tôm chết
Tôm chết do dịch bệnh.

Kinh nghiệm như ông Đào Văn Non, ông Kiều Minh Tấn cũng phải chấp nhận thất bại thì những hộ dân mới vào nghề thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật, đặc biệt là thiếu vốn rủi ro còn cao hơn. Và trên thực tế, không ít hộ "vượt rào" những quy định, làm ngơ với những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn phải nếm trái đắng mang tên "tôm thâm canh, siêu thâm canh".

Không có gì chắc chắn

Đó là trường hợp của ông Năm Hiển (Nguyễn Văn Hiển), ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Dáng người gầy còm cùng làn da rám nắng là những gì ông nhận được sau hơn 7 năm theo đuổi con tôm công nghiệp. Đầu năm 2012, ông Năm Hiển bắt đầu tiếp cận với con tôm công nghiệp bằng 2 ao đất. Vụ đầu tiên gia đình ông thành công vang dội với con tôm sú khi thu về lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Những tưởng cơ hội làm giàu đã đến, ông gom hết vốn liếng và đi vay thêm vốn ngân hàng để đào thêm 2 ao nuôi. Thế nhưng, giấc mơ ấy không mấy chốc đã tan biến khi các ao tôm sú mới qua hơn 2 tháng tuổi lần lượt nhiễm bệnh và chết dần. Hết đường chữa trị, ông buộc phải bán tháo theo kiểu được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Thất bại đó là bài học xương máu khiến ông Năm Hiển thận trọng hơn khi chỉ tập trung vào 1 ao và lần này lại thành công khi mang về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là lần thành công gần như cuối cùng cho đến hôm nay. Ông Năm chia sẻ, những vụ mùa sau nếu tôm không bị chết giữa chừng thì năng suất không đạt như mong muốn. Vụ nuôi nào thắng lớn nhất cũng chỉ lời hơn 50 triệu đồng/ao, mà con số này ngày một hiếm dần, nhất là trong 2 năm trở lại đây gần như chưa xuất hiện. “Nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là tôm siêu thâm canh, nếu 1 ao nuôi diện tích khoảng 1.200 m2 mà lợi nhuận không tới 50 triệu đồng thì chẳng khác nào thất bại”, ông Năm trần tình.

Nghề nào cũng khó, tuy nhiên, nghề nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh càng khó hơn. Bởi nó đòi hỏi người nuôi phải có vốn hiểu biết về khoa học kỹ thuật, tâm huyết, đặc biệt cần phải có vốn lớn. Còn làm theo kiểu "bắt chước" người khác mà phải đi vay hỏi tiền đầu tư, thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm thì thất bại gần như chắc chắn, nếu thành công cũng chỉ là ăn may. Thậm chí ngay cả khi có vốn đầu tư bài bản, việc thành công chưa hẳn chắc chắn. Trường hợp ông Hai Nghị (Nguyễn Hữu Nghị) là một trong những điển hình ấy.

Vào cuối năm 2017, khi phong trào nuôi tôm trải bạt phát triển mạnh với tỷ lệ thành công cao, ông Hai Nghị đã dồn hết phần vốn sau bao năm tích góp khi còn là cán bộ để đầu tư trải bạt 4 ao nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn xã Tân Đức. Có vốn nên việc đầu tư được tiến hành khá bài bản. Ao nuôi được thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật với 8 ao phục vụ và cả 2 ao dèo. Việc quản lý tôm nuôi cũng được sự hỗ trợ từ các kỹ sư của những công ty giống, thức ăn có tiếng trên thị trường.

Những tưởng cách làm bài bản thì thành công sẽ trong tầm tay, song, thực tế không như những gì ông nghĩ, tôm nuôi luôn xảy ra những biến động ngoài mong muốn.

“Những lúc giá thành cao tôm thường bị gãy nửa chừng, hay năng suất đạt thấp, còn lúc có tôm giá thành lại thấp. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại trong gần 2 năm trời, thấy tình hình không ổn, ông Hai Nghị đành bỏ của chạy lấy người. Sau gần 2 năm lăn lộn với con tôm, gia đình ông quyết định nhượng lại cho người khác, chấp nhận chịu lỗ hơn 700 triệu đồng.

Bỏ nghề trong đau xót

Không trụ nổi đành bỏ nghề là tình cảnh của hộ ông Đặng Đồng Khởi, xã Tạ An Khương Nam. Bắt đầu nuôi tôm công nghiệp và tham gia HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đầm Dơi từ năm 2008. Trong suốt quá trình nuôi, số vụ thành công ít hơn số lần thất bại khiến ông chỉ trụ được với nghề đến năm 2017. Ông Khởi tâm sự, sau gần 9 năm gắn bó với con tôm công nghiệp đã bào mòn dần sức lực và vốn liếng của gia đình nên ông buộc phải buông trong đau xót. "Tôi xin luôn ra khỏi HTX để đi tìm nghề khác mưu sinh", ông Khởi tâm tình.

Nói về nghề nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi tôm siêu thâm canh, ông Khởi lắc đầu chặc lưỡi: “Đúng là không nghề nào cực bằng nghề này. Một ngày 12 tiếng đồng hồ không lúc nào bộ đồ khô được, công việc tuy không quá nặng nhưng phải làm liên tục, không có thời gian nghỉ tay. Còn khi tôm lớn là gần như thức trắng với nó. Công sức, tiền của bỏ ra lớn là vậy nên khi bỏ nghề cũng xót vô cùng”.

Nhọc nhằn của nghề nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh còn được anh Trương Hoàng Đa, ấp Tân Phước, xã Tân Đức, khẳng định, nếu ai giỏi thì một người cũng chỉ có thể phụ trách được một ao nuôi là cùng. Nào là chà bạt, trộn thức ăn, lấy nước, xi phông đáy ao…, công việc cứ xoay vòng liên tục trong suốt mấy tháng nuôi.

“Trong khoảng thời gian hơn 2 năm nuôi tôm công nghiệp, tôi gần như đã bỏ được rượu bia, phần không có thời gian, phần không dám nhậu vì sợ say xỉn ngủ quên”, anh Đa hóm hỉnh chia sẻ.

Nghề nuôi "khát" vốn

Thiếu vốn đang là tình cảnh chung của đại đa số nông dân theo nghề nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Duyệt Kiều Minh Tấn, hầu như bà con trên địa bàn xã hiện nay đang rất cần vốn, nhất là những hộ nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thời gian qua rất hạn chế. Ngay cả bản thân ông, khi đầu tư 4 ao nuôi siêu thâm canh cần vay vốn đã thế chấp sổ đỏ hơn 2,5 ha nhưng cũng chỉ vay được 250 triệu đồng. Thật sự với mức đầu tư lớn như đối với loại hình nuôi siêu thâm canh thì khoản vay trên không thấm vào đâu.

Không chỉ những hộ làm ăn đơn lẻ khó tiếp cận được nguồn vốn, mà ngay cả khi đã vào HTX, việc tiếp cận vốn cũng không khởi sắc. Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đầm Dơi Trần Văn Đáng cho biết, các ngân hàng thương mại không mặn mà với loại hình nuôi tôm công nghiệp vì tính rủi ro quá cao, còn nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước thì HTX cũng chưa tiếp cận được. Từ đó, số xã viên của HTX giảm dần qua từng năm, từ con số hơn 100 xã viên khi mới thành lập vào năm 2008, giờ chỉ còn 16 xã viên.

Thiếu vốn, không cách nào khác để sản xuất, người dân đành chấp nhận mua trả chậm với giá thành cao hơn nhiều so với trả tiền mặt. Ông Tấn cho biết, nếu mua trả chậm mỗi ký thức ăn người nuôi phải chấp nhận giá cao hơn từ 8-9 ngàn đồng, thậm chí có những đại lý cao hơn 10 ngàn đồng. Với giá thành tôm nguyên liệu như hiện nay, cùng với gia vật tư đầu vào từ con giống, thuốc, hoá chất… đều tăng thì những người mua trả chậm xem như rất khó có lời.

“Có ít làm ít, nhưng đã làm phải bài bản, phải nắm vững khoa học kỹ thuật”, đó là “bí kíp” được các lão nông đúc kết bằng thực tiễn hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Từ trước đến nay, cơ quan chuyên môn lúc nào cũng khuyến cáo chỉ nuôi tôm thâm canh khi có đủ điều kiện cả về kinh tế và kỹ thuật.
Theo:tepbac.com

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch
Thứ hai, 16/09/2024 - 09:10 AM
147
Châu Á: Phục hưng ngành tôm
Thứ năm, 29/08/2024 - 04:30 PM
309
Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Thứ sáu, 26/07/2024 - 08:15 AM
313
Tin xem nhiều