Bệnh không lây lan và gây chết hàng loạt như bệnh đốm trắng nhưng khị bị nhiễm bệnh tôm sẽ chết ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế của vụ nuôi. Bài viết này sẽ chia sẻ cho quý bà con nguyên nhân gây bệnh đục cơ và cách khắc phục hiệu quả.
1. Nguyên nhân do Virus
Một số trường hợp tôm bị đục cơ là do virus gây ra, có thể là do vi bào tử trùng (EHP) hoặc cũng có thể là do virus IMNV (Infectiuos Myonecrosis Virus) gây ra ở các vùng nước có độ mặn cao. Khi bị nhiễm bệnh tôm có các dấu hiệu bị đục cơ ở phần đuôi sau đó lan ra toàn thân, tỷ lệ chết khá cao có thể lên đến từ 40 – 60% tôm trong ao nuôi. Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị mà chủ yếu vẫn áp dụng phòng bệnh tổng hợp như không dùng tôm bố mẹ nhiễm bệnh trong các trại giống, loại bỏ những tôm bệnh ra khỏi ao nuôi và làm tốt công tác cải tạo và quản lý tốt môi trường ao.
Một số trường hợp tôm bị đục cơ là do EHP hoặc cũng có thể là do virus IMNV. Ảnh : Tepbac.
2. Yếu tố nhiệt độ
Để kiểm tra sức ăn của tôm bà con thường có thói quen nhấc nhá (sàn, vó) lên khỏi mặt nước. Tôm trong nhá sẽ nhảy lên búng mạnh, gặp nhiệt độ cao, một số con bị cong thân. Đuôi uốn cong chạm đến phần giáp ngực, phần cơ chạy dọc cơ thể sẽ trở nên trắng đục. Khi thả trở lại ao, số lượng tôm cong thân sẽ chết vì không tự duỗi thẳng lại được. Tương tự, khi sử dụng chài tôm kiểm tra lúc nắng nóng, lượng tôm đục cơ và cong thân cũng xảy ra nhiều. Để hạn chế hiện tượng này bà con không nên sử dụng nhá, vó để kiểm tra tôm trong ao khi thời tiết nắng nóng.
Nhiệt độ cao cũng gây hiện tượng cong thân, đục cơ khi tôm búng mạnh. Ảnh: Tepbac.
Ngoài ra, hiện tượng tôm cong thân cũng thường xảy ra khi bà con tắt tất cả quạt khí rồi sau đó bật quạt chạy trở lại làm tôm bị "giật mình", nhiều con sẽ nhảy lên mặt nước tạo thành "làn sóng" chạy dọc theo ao. Một số tôm khi nhảy lên mặt nước sẽ bị cong thân khi tiếp xúc không khí và chuyển sang trắng cơ. Hiện tượng này thường xảy ra vào nửa đêm khi tôm đạt kích cỡ 10 g/con trở lên. Bà con thường không chú ý đến hiện tượng này và đến ngày hôm sau mới phát hiện có tôm chết trong ao. Hiện tượng này thường xảy ra khi thời tiết có nhiệt độ cao và trong ao có tảo giáp phát triển. Mật độ tảo giáp cao làm nước có màu nâu đỏ và khiến tôm yếu đi. Để hạn chế hiện tượng này xảy ra, bà con không nên tắt hết tất cả quạt khí vì bất cứ lý do gì mà nên duy trì hoạt động ít nhất một dàn quạt, kể cả khi cho tôm ăn.
3. Chuyển ao gây sốc cho tôm
Khi kéo lưới để bắt tôm cho mục đích thu tỉa hay chuyển sang ao mới, một số tôm sẽ bị sốc, một phần hay toàn bộ cơ thịt của nó sẽ bị trắng đục, hoặc thỉnh thoảng có sự pha lẫn giữa màu trắng và màu tối khác thường, như màu cam hoặc đỏ hồng. Hầu hết tôm có màu khác thường này sẽ chết sau thời gian ngắn. Những con khác bị nhẹ nếu có hồi phục thì cũng mất vài ngày màu sắc cơ thể mới trở lại bình thường. Biện pháp tốt nhất cần kiểm tra sức khỏe của tôm trước khi chuyển sang ao mới. Nếu bắt đầu chuyển tôm mà phát hiện thấy một vài con chuyển sang trắng đục thì nên tạm dừng. Nước dùng vận chuyển tôm phải ở nhiệt độ 24 - 250C và hàm lượng oxy cao (5 mg/l trở lên).
Tôm bị sốc do chuyển ao, thu tỉa làm cơ thịt của bị trắng đục hoặc màu cam, đỏ hồng. Ảnh: Tepbac.
4. Hàm lượng oxy thấp
Lượng oxy trong nước ao nuôi sẽ thấp nếu không lắp đủ các dàn quạt khí tương ứng trọng lượng tôm trong ao. Theo kinh nghiệm, mỗi mã lực (HP) máy quạt nước sẽ cung cấp đủ ôxy cho 400 - 500 kg tôm thẻ. Bà con nên tính toán số lượng dàn quạt nước vừa đủ cung cấp ôxy cho lượng tôm có trong ao.
Ngoài ra, vị trí đặt dàn quạt nước cũng rất quan trọng, lắp đặt các dàn quạt nước đúng vị trí sẽ tạo được dòng chảy quy tụ chất thải vào giữa ao, làm đáy ao luôn sạch, đồng thời hàm lượng ôxy được khuyếch tán vào mọi vị trí trong ao, nhất là giữa ao, nơi diễn ra sự phân huỷ các chất hữu cơ được tích tụ từ xác tảo tàn và thức ăn dư thừa. Quá trình phân hủy các chất hữu cơ tăng lên trong suốt vụ nuôi và đây là nguyên nhân làm lượng ôxy trong nước giảm xuống thấp. Chất thải hữu cơ tích tụ trong ao sẽ được vi khuẩn phân hủy và hoạt động sống của chúng cũng cần một lượng lớn ôxy.
Ao nuôi mật độ cao và ôxy hòa tan thấp thì tôm sẽ bị stress và cơ thể sẽ có xu hướng chuyển thành màu trắng hay mờ đục. Ảnh: Tepbac.
Khi trời có nhiều mây mù hoặc mưa vài ngày liên tục, tảo sẽ không thể quang hợp tốt và sẽ không tạo ra nhiều ôxy. Trong khi đó, mọi sinh vật sống trong ao (bao gồm tôm, tảo và vi sinh vật) đều sử dụng ôxy. Ôxy hoà tan trong nước không đều và rất thấp ở giữa ao, nhất là những ao không có sự trao đổi nước thường xuyên và thả tôm mật độ cao. Khi có nhiều tôm, người nuôi phải cung cấp nhiều thức ăn và màu nước ao sẽ đậm vì tảo phát triển dày đặc.
Theo nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Aquaculture Business Research Center của Đại học Kasetsart, Thái Lan: Nếu ôxy trong ao tôm từ 4 mg/l trở lên, cơ thể tôm có màu sáng bình thường; những ao nuôi mật độ cao và ôxy hòa tan thấp thì tôm sẽ bị stress và cơ thể sẽ có xu hướng chuyển thành màu trắng hay mờ đục. Khi hàm lượng ôxy xuống thấp 1,7 ppm thì tôm sẽ bơi lên mặt nước (tôm nổi đầu) và hầu hết sẽ chết khi lột xác. Bà con nên duy trì quạt nước cung cấp đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho ao nuôi, giúp tôm hô hấp tốt và phát triển nhanh.
5. Tôm bị thiếu khoáng chất
Thiếu một số vi khoáng thiết yếu như Ca, Mg, P, Mn… đây là nguyên nhân chính làm các sắc tố trong cơ thịt tôm không đủ để hình thành gây đục cơ và làm tôm không duỗi thẳng được khi cong thân. Vì vậy bà con cần cung cấp chất khoáng ngay từ đầu trong quá trình nuôi.
Khoáng chất giúp hình thành sắc tố trong cơ thịt tôm. Ảnh: Trần Bình.
Trên đây là 5 nguyên nhân gây đục cơ trên tôm, khi phát hiện tôm có biểu hiện của bệnh đục cơ, bà con nên căn cứ vào trường hợp cụ thể để có các biện pháp xử lý một cách kịp thời và hiệu quả.
Nguồn: Tepbac.com