Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7/2020 ước đạt 780 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4,38 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng đối với mặt hàng tôm, trong tháng 6/2020, giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 228,21 triệu USD, chiếm 31,73% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019; tôm sú đạt 50,27 triệu USD, chiếm 6,69%, giảm 8,35%.
Trong khi xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm sang nhiều thị trường chính giảm thì tại thị trường Mỹ và Anh lại ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Anh đạt 140,5 triệu USD, tăng cao nhất đạt 13,3% so với cùng kỳ năm trước; Mỹ đạt 654 triệu USD, tăng 0,5%.
Đáng chú ý, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, mặc dù dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay. Đây cũng là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong tất cả các tháng của nửa đầu năm nay.
Nguyên nhân do, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ không giảm do Mỹ nhập khẩu để phục vụ kênh bán lẻ, thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ... để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.
Trên thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề. Các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước cũng bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trong nhiều năm qua, chiếm 40% tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ. Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ đã bắt đầu giảm trong tháng 5/2020 sau khi tăng trong những tháng trước đó. Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5/2020 đạt 8.560 tấn, trị giá 72,1 triệu USD, giảm 58% về khối lượng và 56% về giá trị so với tháng 5/2019.
Ecuador vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 3 cho Mỹ. Trong tháng 5/2020, Ecuador xuất khẩu sang Mỹ 5.773 tấn tôm, trị giá 33,6 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và 32% về giá trị so với tháng 5/2019.
Ít nhất 17 nguồn cung đã giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020 so với tháng 5/2019. Một số nguồn cung như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Na Uy không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp từ các nguồn cung trên. Thái Lan và Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng giảm xuất khẩu sang Mỹ kể từ năm 2019, do Thái Lan vi phạm về vệ sinh, uy tín trong khi giá tôm cao, còn tôm Trung Quốc xuất sang Mỹ đang bị áp thuế cao do hậu quả của chiến tranh thương mại.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, trong quý III/2020, tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ không cao bằng quý II/2020, do Ấn Độ và Ecuador chuyển hướng tăng xuất khẩu sang Mỹ vì gặp khó ở Trung Quốc (chậm thông quan và gặp vấn đề trong vệ sinh…). Tuy nhiên, với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 dự báo vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Nguồn:"tepbac.com"